Chính quyền Palestine đã chính thức yêu cầu được thừa nhận là thành viên Liên hợp quốc. Palestine đã giữ tư cách quan sát viên tại Liên Hợp Quốc kể từ năm 2012, nhưng tư cách thành viên đầy đủ sẽ đồng nghĩa với việc công nhận tư cách nhà nước của Palestine, điều mà Israel phản đối.
Đặc phái viên thường trực của Chính quyền Palestine tại Liên hợp quốc, Riyad Mansour.
“Hôm nay, Palestine đã gửi thư cho Tổng thư ký yêu cầu xem xét lại đơn đăng ký làm thành viên của chúng tôi", đặc phái viên thường trực của Chính quyền Palestine tại Liên hợp quốc, Riyad Mansour, viết trên X.
Trong lá thư riêng gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Nhóm Ả Rập, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo và Phong trào Không liên kết đều ủng hộ yêu cầu của Mansour.
Palestine tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ được coi là của Palestine trước khi bùng nổ Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, bao gồm Gaza, toàn bộ Bờ Tây và Đông Jerusalem. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng về một nhà nước của người Palestine và tuyên bố sẽ áp đặt “sự kiểm soát an ninh hoàn toàn của Israel đối với toàn bộ khu vực phía tây Jordan”, bao gồm tất cả các khu vực đã nêu.
Các khu vực ở Bờ Tây hiện nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của quân đội và dân sự Israel, trong khi Gaza do Hamas kiểm soát.
Đơn xin gia nhập Liên hợp quốc phải được Tổng thư ký chấp thuận trước khi trình lên Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên để bỏ phiếu. Chính quyền Palestine đã nộp đơn xin gia nhập làm thành viên vào năm 2011, nhưng đơn này chưa bao giờ được đưa lên Hội đồng Bảo an. Vào thời điểm đó, Mỹ - với tư cách là một trong 5 thành viên thường trực của hội đồng - cho biết sẽ thực hiện quyền phủ quyết trong trường hợp bỏ phiếu thành công.
Năm sau, Liên hợp quốc đã nâng cấp quy chế của Palestine từ “thực thể quan sát viên phi thành viên” lên “nhà nước quan sát viên phi thành viên”, một quy chế trước đó chỉ được Nhà nước và Thành phố Vatican nắm giữ.
Trong khi đơn đăng ký mới của Chính quyền Palestine một lần nữa có nguy cơ bị Mỹ phủ quyết, Washington đã ra tín hiệu rằng họ sẵn sàng phá bỏ chính sách thông thường là phủ quyết bất kỳ quyết định nào của hội đồng bảo an đi ngược lại lợi ích của Israel. Cuối tháng trước, Mỹ đã bỏ phiếu trắng và cho phép hội đồng thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza.
Bất chấp việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Israel, việc bỏ phiếu trắng được coi là dấu hiệu cho thấy rạn nứt ngày càng gia tăng giữa ông Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Khoảng 140 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã công nhận Nhà nước Palestine.