Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mỹ - Trung Quốc càng căng thẳng, người gốc Á càng lo bị tấn công

Xung đột ngày càng sâu sắc giữa Washington và Bắc Kinh có nguy cơ khiến tình trạng thù ghét nhắm vào người gốc Á thêm trầm trọng.

Những ngày qua, cộng đồng người gốc Á tại Mỹ nhận được sự trấn an và thông điệp ủng hộ mạnh mẽ từ chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong bối cảnh làn sóng bạo lực và tâm lý thù hận gia tăng vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, xung đột ngày càng sâu sắc giữa Washington và Bắc Kinh có nguy cơ tiếp tục nuôi dưỡng và thổi bùng tâm lý bài ngoại, khiến tình trạng thù ghét nhắm vào người gốc Á thêm trầm trọng, theo The Hill.

Một phần của lịch sử phân biệt chủng tộc

"Khi nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy xung đột địa chính trị với các quốc gia bên ngoài thường tạo ra phản ứng dữ dội chống lại một số cộng đồng cụ thể trong nước. Trong trường hợp này là cộng đồng người Mỹ gốc Á", John Yang, chủ tịch nhóm hoạt động Thúc đẩy Công lý cho người Mỹ gốc Á, nói.

"Vì thế, một mặt, căng thẳng địa chính trị với chính phủ Trung Quốc là có thật, và là điều chúng ta cần đương đầu. Nhưng nước Mỹ cần vô cùng thận trọng, không để căng thẳng ấy ảnh hưởng tới người dân trong nước", ông Yang nói.

Việc cộng đồng người gốc Á trở thành mục tiêu trong những thời kỳ nền kinh tế suy thoái, bất ổn chính trị, hoặc chiến tranh... không phải hiện tượng mới.

Camera an ninh ghi lại hình ảnh một vụ tấn công nhắm vào người gốc Á ở Mỹ. Ảnh: KPIX.

Năm 1882, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cấm người Trung Quốc nhập cư hoặc xin quốc tịch Mỹ, do lo ngại người lao động châu Á sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh việc làm và tiền lương,

Trước đó, sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng, hơn 120.000 người Mỹ gốc Nhật, trong đó nhiều người sinh ra ở Mỹ, bị ép bán tài sản hoặc giam giữ ở những trại tập trung tại những vùng hẻo lánh, chỉ bởi nguồn gốc sắc tộc của họ.

Đến đầu thập niên 1980, khi các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản trỗi dậy, hai công nhân nhà máy ôtô ở Detroit giết hại một người Mỹ gốc Hoa tên Vincent Chin. Hai người này đổ lỗi cho nạn nhân đã lấy mất việc làm của họ.

"Tâm lý chống người gốc Á trở thành một phần lịch sử phân biệt chủng tộc đáng hổ thẹn của nước Mỹ", Hạ nghị sĩ Mark Takano nói. Cha mẹ và ông bà của Hạ nghị sĩ Takano đều bị nhà chức trách Mỹ giam giữ trong thời Thế chiến 2.

"Không có gì ngạc nhiên khi người Mỹ gốc Á luôn cảm giác họ không hoàn toàn là công dân Mỹ, rằng họ là người ngoài và những người Mỹ xem họ là người ngoại quốc, bởi đã có thời kỳ luật pháp quy định như vậy", ông Takano nói.

Nỗ lực của ông Biden chưa có hiệu quả

Làn sóng tội ác chống lại cộng đồng người gốc Á dâng cao trong năm 2019-2020, xuất phát từ những phát ngôn của cựu Tổng thống Donald Trump đổ lỗi cho Trung Quốc phát tán virus corona, gây ra đại dịch COVID-19.

"Chiêu bài chính trị và các phát ngôn của chính trị gia, đặc biệt là ông Trump, có sức tác động rõ ràng, dẫn đến tình trạng như hiện nay", Brian Levin, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa cực đoan và Thù ghét tại Đại học San Bernardino, California, cho biết.

Phát ngôn của những nhân vật có ảnh hưởng có thể kích động hoặc xoa dịu làn sóng thù ghét nhắm vào một cộng đồng dân cư cụ thể. Ví dụ tiêu biểu là khi cựu Tổng thống George W. Bush có những phát biểu khoan dung đối với người Hồi giáo sau vụ khủng bố 11/9, góp phần kiềm chế tình trạng bạo lực.

"Tội ác do thù ghét giảm ngay ngày hôm sau", ông Levin nói, trích dẫn dữ liệu do FBI ghi nhận. Theo đó, các hành vi chống người Hồi giáo giảm mạnh trong năm 2002 xuống còn 155 vụ, so với 481 của năm 2001.

Chính quyền Tổng thống Biden nỗ lực chống lại nạn thù ghét người gốc Á, nhưng chưa thu được nhiều kết quả. Ảnh: Times.

Sau lễ nhậm chức, Tổng thống Biden ra lệnh bãi bỏ một số thuật ngữ về COVID-19 có thể mang tính xúc phạm, bài ngoại nhắm vào người gốc Á, như "virus Trung Quốc", "kung flu".

Trong tuần nhậm chức đầu tiên, phản ứng trước lo ngại của cộng đồng người gốc Á, Tổng thống Biden ký sắc lệnh hành pháp lên án phân biệt chủng tộc, tâm lý bài ngoại và bất dung thứ. Nhà Trắng cũng chỉ đạo các cơ quan liên bang tăng cường nỗ lực xóa bỏ định kiến chống người gốc Á.

Nhưng bạo lực không có dấu hiệu thuyên giảm. Hàng loạt vụ tấn công nhắm vào người gốc Á vẫn xảy ra, đặt biệt với đối tượng phụ nữ và người già. Đỉnh điểm là vụ xả súng liên hoàn ở các spa tại Atlanta, Georgia khiến 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng hôm 16/3.

Tổng thống Biden đang vận động quốc hội thông qua dự luật có tên "COVID-19 Hate Crimes Act", nhằm phân bổ thêm nguồn lực cho Bộ Tư pháp và lực lượng chấp pháp để đối phó với làn sóng tội phạm thù ghét và bạo lực nhắm vào người gốc Á.

Sau vụ nổ súng hôm 16/3, Tổng thống Biden và Phó tổng thống Kamala Harris nhanh chóng gặp lãnh đạo cộng đồng người gốc Á ở Atlanta, lên án tình trạng bạo lực.

"Không thể có chỗ cho sự thù ghét ở Mỹ. Tình trạng này phải chấm dứt. Tất cả chúng ta phải cùng nhau chấm dứt vấn nạn này", ông Biden nói.

Nhưng nạn phân biệt đối xử và bạo lực nhắm vào người gốc Á nhiều khả năng sẽ tiếp diễn, trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh căng thẳng chưa từng có suốt nhiều thập kỷ.

"Đối đầu với chính quyền Trung Quốc sẽ tiếp tục, và thậm chí kéo dài sau khi dịch COVID-19 qua đi. Vì thế, chúng ta cần hiểu nạn phân biệt chủng tộc hiện nay sẽ không đột nhiên biến mất", ông Yang nói.

Chống Trung Quốc biến thành chống người gốc Á

Những xung đột gần dây giữa Mỹ và Trung Quốc, đi kèm với những đòn công kích từ phía đảng Cộng hòa cáo buộc ông Biden mềm yếu với Bắc Kinh trước thềm bầu cử giữa kỳ 2022, có nguy cơ khiến thái độ tiêu cực một bộ phận dân Mỹ với người gốc Á thêm phần tồi tệ.

Một cuộc khảo sát do Gallup tiến hành đầu tháng 3 cho thấy 45% người được hỏi coi Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm nhất - tăng gấp đôi so với một năm trước. Trong khi đó, chỉ 26% người Mỹ trong khảo sát coi Nga là kẻ thù lớn nhất.

Vài tuần qua, chính quyền Tổng thống Biden có thêm các lệnh trừng phạt Bắc Kinh về tình hình Hong Kong. Washington cũng phối hợp với các đồng minh để trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan tới vấn đề Tân Cương.

Bắc Kinh bác bỏ các cáo buộc, cho rằng Washington đang can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đồng thời có biện pháp đáp trả.

Khi Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan gặp gỡ hai quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc ở Alaska hôm 18/3, cuộc họp biến thành màn "khẩu chiến" gay gắt về tương lai trật tự quốc tế.

Biểu tình phản đối thù ghét chống người gốc Á. Ảnh: ABC.

Lưỡng đảng Dân chủ - Cộng hòa đều ủng hộ lập trường cứng rắn với Bắc Kinh. Tuy nhiên, một số nghị sĩ Cộng hòa bác bỏ cảnh báo từ các lãnh đạo cộng đồng người gốc Á, rằng những phát biểu mang tính định kiến sẽ biến cộng đồng gốc Á trở thành nạn nhân của thù ghét.

Trong một buổi điều trần về tình trạng bạo lực nhắm vào người gốc Á tổ chức mới đây, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Chip Roy liên tục dùng một cách gọi để ám chỉ chính quyền Trung Quốc.

John Yang, chủ tịch nhóm hoạt động Thúc đẩy Công lý cho người Mỹ gốc Á, cho biết cách dùng từ của Hạ nghị sĩ Roy có tác động "phi nhân tính" với người Trung Quốc, và vì thế có nguy cơ kích động tâm lý chống người gốc Á.

Bryace Barros, chuyên gia về quan hệ với Trung Quốc, hoan nghênh những nỗ lực ban đầu của chính quyền Tổng thống Biden, tránh để những phát ngôn chống Trung Quốc trở thành nguồn cơn kích động tâm lý bài ngoại.

"Tôi lo rằng việc phát ngôn chống Trung Quốc có thể bị diễn giải thành chống người gốc Hoa. Tuy nhiên đội ngũ ông Biden có cách xử lý khá thông minh, rất chu đáo, tôi dành lời khen ngợi cho họ", ông Barros cho biết.

Marilyn Strickland, một trong ba nữ nghị sĩ gốc Hàn đầu tiên tại Quốc hội Mỹ, cho rằng cần đẩy mạnh giáo dục công chúng biết về lịch sử của người nhập cư, những bất công, cũng như đóng góp mà cộng đồng gốc Á mang lại cho nước Mỹ.

"Ngôn từ có ý nghĩa, cách chúng ta đặt vấn đề cũng có ý nghĩa. Với rất nhiều người, khi chúng ta nói về chính phủ Trung Quốc, họ đôi khi nhầm lẫn rằng điều đó liên quan tới mọi người gốc Á ở đất nước này. Người Mỹ cần một bài học lịch sử, và chúng ta có cơ hội chia sẻ lịch sử của các dân tộc với công chúng", bà Strickland nói.

Nguồn:

Tin mới