"Một trong những thách thức lớn nhất ở Thái Bình Dương là thực trạng đánh bắt cá trái phép. Chúng tôi tin rằng trong vài tuần tới, thông qua các tổ chức khác nhau, chúng tôi sẽ công bố một loạt khả năng nhằm cải thiện nhận thức về hàng hải", điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ Kurt Campbell nói khi được hỏi về sự hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon - một đối tác truyền thống lâu đời của Mỹ trong khu vực.
Theo ông Campell, Mỹ đang cân nhắc khả năng tiếp tục theo dõi khi tàu thuyền tắt thiết bị nhận dạng điện tử. Ông này nói thêm rằng nhiều nước đang tăng cường lĩnh vực tàu tuần tra và huấn luyện.
Mỹ lên kế hoạch chống đánh bắt cá bất hợp pháp ở Thái Bình Dương. (Ảnh minh hoạ: Tân Hoa xã)
Thông báo của ông Campbell được đưa ra trước thềm chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản của Tổng thống Biden. Trong chuyến công du, ông Biden sẽ nhóm họp với lãnh đạo các nước thành viên còn lại của nhóm Bộ Tứ QUAD bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản.
QUAD thời gian gần đây đang đẩy mạnh hợp tác trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng.
Theo Reuters, một số quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thường xuyên phát sinh xung đột với đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc. Các nước này cáo buộc đội tàu cá Trung Quốc vi phạm các vùng đặc quyền kinh tế của họ, gây thiệt hại về môi trường cũng như kinh tế.
Bất chấp các cáo buộc đó, Trung Quốc nói họ là một quốc gia đánh cá có trách nhiệm, luôn nỗ lực hợp tác quốc tế để ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp. Bắc Kinh khẳng định các tàu cá của họ chỉ đánh bắt trong các vùng đặc quyền kinh tế liên quan theo các thỏa thuận song phương.
Theo Lực lượng Tuần duyên Mỹ, nạn đánh bắt cá bất hợp pháp đã vượt qua cướp biển, trở thành mối đe dọa an ninh hàng hải toàn cầu đứng đầu và có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa các nước cạnh tranh nguồn cá bị khai thác quá mức.
Lực lượng này cũng kêu gọi Trung Quốc có trách nhiệm hơn trong việc quản lý các tàu cá.
Tháng trước, một nhóm quan chức Mỹ do ông Campbell dẫn đầu tới Quần đảo Solomon sau khi Bắc Kinh công bố ký kết hiệp ước an ninh với quốc đảo Thái Bình Dương.
Nhà Trắng sau đó bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc "thiết lập sự hiện diện quân sự thường xuyên" của Trung Quốc ở quần đảo này.
Ông Campbell nhấn mạnh Washington và các đồng minh cùng chia sẻ mối quan tâm ở khu vực Thái Bình Dương trước tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc,
“Điều cần thiết là phải tăng cường phối hợp, tham gia, chia sẻ thông tin. Đây không chỉ là Mỹ, Australia, New Zealand, mà còn là đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, EU", ông khẳng định.