Armenia và Azerbaijan hôm 20/10 cho biết, ngoại trưởng hai nước sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Washington vào ngày 23/10 trong nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc giao tranh ác liệt nhất ở khu vực Nagorno-Karabakh kể từ những năm 1990.
Reuters cho biết, hiện vẫn chưa rõ Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan sẽ gặp riêng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng lúc tại Washington hay gặp riêng rẽ.
Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bình luận về thông tin này. Tuy nhiên, theo Reuters, các cuộc họp đã lên kế hoạch cho thấy, ngay trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ, Washington đang đẩy mạnh can dự sâu hơn vào căng thẳng Armenia và Azerbaijan nhằm xoa dịu cuộc xung đột khiến hàng trăm người thiệt mạng kể từ ngày 27/9.
Washington sẽ làm trung gian hòa đàm xung đột giữa Armenia và Azerbaijan. (Ảnh: Newsreap)
Đến nay, Nga đã thúc đẩy các nỗ lực hòa giải xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực Nagorno-Karabakh. Thế nhưng, hai thỏa thuận ngừng bắn do Matxcơva làm trung gian trong tháng này đã không ngăn được giao tranh tiếp diễn giữa hai nước.
Armenia và Azerbaijan thông báo một thỏa thuận ngừng bắn mới tại vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh có hiệu lực từ nửa đêm hôm 17/10. Thỏa thuận mới được công bố sau một cuộc gọi của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov với những người đồng cấp từ Armenia và Azerbaijan.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin đề nghị các bên nhanh chóng ngừng bắn và thực hiện các biện pháp để giảm leo thang xung đột. Armenia và Azerbaijan đồng ý ngừng bắn từ 12h00 ngày 10/10 để trao đổi tù nhân và thi thể những người chết trong xung đột.
Hôm 20/10, hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ cho biết đã có giao tranh dữ dội trong và xung quanh khu vực Nagorno-Karabakh. Armenia và Azerbaijan cùng thông tin, 43 nhân viên quốc phòng hai bên đã thiệt mạng sau các cuộc giao tranh.
Tình hình ở Nagorno-Karabakh leo thang từ ngày 27/9. Baku và Yerevan liên tục cáo buộc lẫn nhau. Các trận chiến giữa hai bên đang diễn ra trên lãnh thổ tranh chấp.
Các chuyên gia và nhà ngoại giao cho rằng cuộc xung đột có nguy cơ tạo ra một thảm họa nhân đạo, đặc biệt xung đột này kéo theo sự can dự ngày càng sâu của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tình hình phức tạp hơn khi Baku được sự hỗ trợ tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ (một thành viên NATO). Về phần Armenia, quốc gia này là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước về an ninh tập thể (CSTO).