Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, thỏa thuận mới sẽ cung cấp một khuôn khổ giúp cải thiện hợp tác an ninh, nâng cao năng lực của lực lượng quốc phòng Papua New Guinea và tăng cường ổn định khu vực.
Thủ tướng Papua New Guinea James Marape cho hay, Papua New Guinea phải đối mặt với những thách thức an ninh lớn. “Chúng tôi có vấn đề an ninh nội bộ cũng như an ninh chủ quyền của mình. Chúng tôi đang đẩy mạnh để đảm bảo biên giới được an toàn", ông nói.
Trước đó, Thủ tướng James Marape hôm 18/5 cho biết Mỹ và nước này sẽ ký 2 thỏa thuận tập trung vào hợp tác quốc phòng và giám sát hàng hải.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Papua New Guinea James Marape. (Ảnh: Getty)
Ông James Marape cho biết các thỏa thuận này sẽ cho phép quân đội Mỹ đi lại, tiếp cận vùng biển của Papua New Guinea, gần các tuyến đường biển tới Australia và Nhật Bản. Đổi lại, thỏa thuận này cũng cho phép Papua New Guinea sử dụng các hệ thống an ninh vệ tinh của Mỹ để giám sát vùng biển của nước này. Các thoả thuận này sẽ được gia hạn 15 năm một lần.
Phiên bản dự thảo của thỏa thuận hợp tác quốc phòng bị rò rỉ cho thấy các lực lượng Mỹ sẽ có quyền tự chủ rộng rãi tại một số cửa khẩu quan trọng của Papua New Guinea. Tuy nhiên, Thủ tướng Marape nhấn mạnh, bất kỳ quyền tiếp cận nào cũng phải được chính phủ của ông chấp thuận.
Tổng thống Joe Biden hôm 16/5 thông báo rút ngắn chuyến công du châu Á để về nước giải quyết vấn đề trần nợ công. Ông Biden sẽ đến Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh G7, không thăm Papua New Guinea và Australia như kế hoạch ban đầu.
Thay vào đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương tại Port Moresby vào hôm 22/5.
Theo ông Marape, hiệp ước của Papua New Guinea với Washington sẽ không ngăn cản nước này đàm phán các thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc.
Papua New Guinea ngay phía bắc Australia, có vị trí chiến lược. Đây là nơi diễn ra những trận chiến khốc liệt trong Thế chiến thứ hai. Với dân số gần 10 triệu người, Papua New Guinea là quốc đảo đông dân nhất Thái Bình Dương.
Năm ngoái, Mỹ cam kết gói viện trợ kinh tế trị giá 800 triệu USD cho các quốc đảo Thái Bình Dương. Chính quyền Biden gần đây cũng mở các đại sứ quán ở quần đảo Solomon và Tonga, và có kế hoạch mở đại sứ quán ở Kiribati.