Trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa mạnh mẽ như hiện nay, ngành Logistics luôn nằm trong danh sách những ngành học có mức điểm chuẩn cao.
Đồng thời, ngành học này cũng được đánh giá mang đến cơ hội việc làm lớn dành cho sinh viên ngay sau khi ra trường, với mức lương hấp dẫn.
Ngành Logistics đang được nhiều bạn trẻ quan tâm. (Ảnh minh họa)
Mức lương ngành Logistics thế nào?
Logistics là một phần của chuỗi cung ứng, liên quan đến việc lưu trữ, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ.
Đang đảm nhận công tác nhân sự tại một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội, chị Nguyễn Phương Chi (37 tuổi) cho biết, nhân sự ngành Logistics được phân chia theo nhiều cấp bậc, có thu nhập tốt hơn mặt bằng chung.
Với sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm sẽ nhận về mức lương khởi điểm dao động từ 5 - 8 triệu đồng/tháng. Riêng sinh viên có kinh nghiệm hơn một chút sẽ nhận về mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, thời điểm năm 2019 đến giữa năm 2022, thu nhập của nhân viên ngành Logistics rất cao, nhưng lại có nhiều biến động. Có vị trí việc làm lương nhận về hàng tháng lên đến 200 triệu đồng, ví dụ như vị trí Sale.
Tuy nhiên, đây chỉ là mức lương trung bình và có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như kỹ năng, kinh nghiệm, hiệu suất làm việc và vị trí việc làm.
Bên cạnh mức lương hấp dẫn, ngành Logistics còn mang đến cho sinh viên nhiều cơ hội việc làm. Theo dự báo năm 2022 của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030, Việt Nam cần thêm 2,2 triệu lao động trong ngành Logistics, 10% trong đó là nhân lực chất lượng cao, có trình độ ngoại ngữ. Trong khi đó mỗi năm, chỉ khoảng 2.500 cử nhân ngành này tốt nghiệp.
Một số trường đào tạo ngành Logistics
Trường Đại học Thương Mại - năm 2023, tuyển sinh 150 chỉ tiêu dành cho ngành Logistics. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 26,8 điểm (A00; A01; D01; D07). Trong khi đó, phương thức học bạ lấy 27,5 điểm (A00; A01; D01; D07).
Học phí năm học 2023 - 2024, trường Đại học Thương mại quy định đối với ngành học này là 23 - 25 triệu đồng.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng theo 3 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh riêng của trường.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 27,4 điểm (A00; A01; D01; D07). Nhà trường dự kiến mức học phí trong năm học tới, dao động từ 16 - 22 triệu đồng/năm học.
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng) hiện đào tạo hai ngành học liên quan đến Logistics: Logistics & chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế & Logistics.
Với phương thức tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn của ngành Kinh doanh quốc tế & Logistics lấy 23 điểm (A01; D01; D07; D15), Logistics & chuỗi cung ứng lấy 25,75 điểm (A00; A01; C01; D01).
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đang đào tạo hai ngành học liên quan đến Logistics: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ Logistics. Năm 2023, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 27 điểm (A00; A01; D01; D07) và ngành Công nghệ Logistics lấy 26,09 điểm (A00; A01; D01; D07).
Năm học 2023 - 2024, nhà trường quy định mức học phí là 940 nghìn đồng/tín chỉ.
Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM đang đào tạo 4 ngành học liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, bao gồm: Logistics và hạ tầng giao thông, Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức, Quản lý cảng và logistics.
Những ngành trên lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển dao động từ 17,5 đến 25,65. Trong đó, ngành Logistics và hạ tầng giao thông chương trình chất lượng cao có điểm chuẩn thấp nhất, ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức chương trình đại trà lấy điểm chuẩn cao nhất.
Trên đây là thông tin về mức lương, cơ hội việc làm và thông tin tuyển sinh của một số trường có đào tạo ngành Logistics, thí sinh có thể tham khảo thêm để đưa ra được lựa chọn phù hợp với bản thân.