Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Mong 2/3 dân số được tiêm, Việt Nam sẽ có miễn dịch cộng đồng với COVID-19'

(VTC News) -

GS.TS Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam nói.

Video: Những người đầu tiên tiêm vaccine COVID-19 ở Hà Nội

Tại buổi tiêm vaccine phòng COVID-19 sáng nay (8/3) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), GS Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, theo nghiên cứu trên thế giới, nếu 2/3 dân số được tiêm vaccine phòng bệnh, thì nước đó sẽ có miễn dịch cộng đồng với COVID-19.

"Mong muốn của nhà sản xuất là tạo được miễn dịch cộng đồng nên càng nhiều người tiêm thì hiệu quả càng cao. Với Việt Nam, chúng tôi mong muốn, tất cả người dân sẽ được tiêm vaccine. Bởi theo tính toán nghiên cứu trên thế giới, nếu 2/3 dân số một nước được tiêm vaccine sẽ có được miễn dịch cộng đồng", ông Kính nói.

GS.TS Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam.

Theo thống kê đến nay, cán bộ y tế chiếm 10% ca nhiễm, Việt Nam may mắn chưa có cán bộ y tế tử vong dù trải qua 3 làn sóng dịch bệnh.

Ông Kính cho biết, bất cứ thứ thuốc, vaccine hay sinh phẩm gì đưa vào cơ thể đều dẫn đến tác dụng phụ nhất định. Đến nay, tác dụng phụ ghi nhận nhiều nhất với vaccine COVID-19 là đau ở chỗ tiêm, áp-xe nơi tiêm, nặng nhất là sốc phản vệ.

"Tất cả các thuốc, kể cả vaccine khi tiêm đều có thể sốc phản vệ. Do đó các cơ sở y tế cần phải chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với các sự cố. Trước khi tiêm vaccine các đơn vị phải hỏi người được tiêm có tiền sử bệnh nền, di ứng hay tiền sử phản vệ hay không để xem xét có tiêm được hay không", ông Kính khẳng định.

Mỗi loại vaccine đều có chống chỉ định riêng. Với vaccine COVID-19 hiện chưa nghiên cứu nhiều ở phụ nữ mang thai. Các vaccine hiện cũng chưa có dữ liệu nghiên cứu lâm sàng từ 0-18 tuổi nên chỉ định khuyến cáo tiêm cho người trên 18 tuổi. Ngoài ra, quá trình thử nghiệm ở các nước cho thấy tiêm vaccine cho những người trên 60 tuổi vẫn có hiệu quả.

Hiện thế giới ghi nhận khoảng 400 biến chủng virus mới. Việt Nam cũng ghi nhận rất nhiều biến thể mới, đặc biệt ở Hải Dương là phát hiện chủng ở Anh, lây lan lan rất nhanh dù bản chất độc lực không tăng cao. Vì lý do này, khi làm vaccine các nhà khoa học sẽ làm thành một "khuôn mẫu", sau này có các chủng mới thì sẽ cải biến khuôn mẫu đó. Cũng có thể xem chúng ta đang chạy theo virus. Tuy nhiên, vaccine COVID-19 hiện nay vẫn có hiệu quả đối với các chủng mới của SARS-CoV-2.

Sáng 8/3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các nhân viên y tế đang làm việc tại đây. Trước khi tiêm các nhân viên sẽ được khám sàng lọc, sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý quá trình tiêm chủng cá nhân, đồng bộ với hệ thống của Bộ. Tiêm xong, những người này sẽ ở lại viện để theo dõi 30 phút, sau đó một số nhân viên tiếp tục quay lại làm việc theo lịch.

Mỗi người tiêm sẽ được tiêm 2 mũi vaccine, mỗi mũi cách nhau 21 ngày. Theo nghiên cứu, sau khi tiêm mũi đầu tiên, khả năng miễn dịch của người tiêm sẽ đạt khoảng 61-67%, sau mũi thứ 2 đạt khoảng hơn 80%. Sau tiêm các nhân viên y tế sẽ được theo dõi sức khoẻ cũng như lấy mẫu máu để xem xét lượng kháng thể.

Do lượng vaccine đợt đầu về hạn chế nên Bộ Y tế chỉ phân bổ vaccine cho các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19 và 13 tỉnh, thành có dịch. Trước khi tiêm, các cán bộ, nhân viên y tế sẽ được khám sàng lọc và kê khai y tế theo đúng quy định.

Phạm Quý - Hữu Dánh

Tin mới