Chị T.T.M.N. (39 tuổi, trú tại quận Gò Vấp, TP. HCM) cho biết, mỗi lần đi taxi, con gái chị rất hay khóc. Con gái chị đã 15 tháng, mỗi lần đi xe thường chóng mặt, ọc sữa, mặt mũi xanh lè… Vì vậy lần nào di chuyển xa chị đều lo lắng.
Không chỉ chị N., với gia đình có con nhỏ, việc làm sao đưa trẻ về quê ăn Tết mà không say xe là vấn đề hầu hết các phụ huynh đều quan tâm.
Các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý khi cho trẻ đi ô tô, tàu hỏa. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Theo bác sĩ CK II Nguyễn Minh Tiến - Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố (TP.HCM), thông thường trẻ em ít say xe hơn người lớn nhưng ở trẻ dưới 2 tuổi thì ngược lại. Khi đi tàu xe, các bé rất dễ gặp tình trạng ọc sữa, nôn ói.
Nguyên nhân là do ở trẻ nhỏ, góc tâm vị dạ dày - thực quản còn khá tù. Ở người lớn, góc tâm vị này là một góc nhọn nên ngăn thức ăn trào ngược hiệu quả hơn. Thông thường, hệ thống này sẽ dần ổn định trước 2 tuổi nhưng có bé một tuổi đã ổn, có bé phải đến hai tuổi.
“Cách tốt nhất để giảm say xe là bé cần được tập cho quen dần. Ban đầu di chuyển bằng ôtô, taxi, xe bus… ở quãng ngắn, từ quận này qua quận kia, rồi đi quãng dài dần, ví dụ đi các tỉnh gần", bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
Các bậc cha mẹ cần lưu ý những điểm sau để giảm bớt cảm giác say xe, khó chịu ở trẻ:
Khi cho trẻ ăn, uống sữa xong nên để bé ngồi, vỗ lưng nhẹ cho bé ợ hơi, không nên cho nằm ngay, thức ăn và sữa sẽ dễ trào ngược.
Nói chuyện và chơi đùa với bé: Việc này sẽ giúp phản xạ gây nôn có thể vượt qua nếu như sự chú ý bị chuyển sang một vấn đề khác. Điều này đúng với cả người lớn và trẻ em trong những chuyến đi vui vẻ cùng bạn bè, đùa giỡn suốt hành trình, rất khó bị say xe.
Khi đi tàu xe, các phụ huynh nên cho bé ăn không quá no, cũng không được để đói. Tuyệt đối không vì sợ nôn ói mà bắt bé nhịn hoặc ăn quá ít, bé sẽ càng mệt.
Với bé lớn hơn, nếu những lần đi ôtô trước bé không say xe thì không cần quá lo lắng vì trẻ em tuổi này cũng ít khi say xe. Nhưng nếu bé đã say xe nhiều lần thì có thể uống thuốc trước khi bắt đầu hành trình.
Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý dùng thuốc chống say xe dành riêng cho trẻ em, tuyệt đối không được sử dụng thuốc (uống hoặc dán) của người lớn.