Tròn 45 tuổi, ông Nguyễn Trí Hiếu trải qua 70 lần hiến máu tình nguyện. "Tôi sẽ hiến máu đến khi không còn đủ điều kiện", ông Hiếu khẳng định sẽ phấn đấu đạt con số 100 lần.
Năm 20 tuổi, người đàn ông này mất mẹ. “Mẹ tôi qua đời do thiếu máu để truyền. Hình ảnh gia đình đi huy động hiến máu, rồi đi mua mà vẫn không đủ đến giờ tôi vẫn còn nhớ”, ông kể.
Theo ký ức của người đàn ông này, năm 1994, phong trào hiến máu chưa phát triển, người dân không có nhiều thông tin, kiến thức về hoạt động thiện nguyện này.
"Không chỉ mẹ tôi mà thời điểm đó, rất nhiều bệnh nhân mất cơ hội được sống tiếp chỉ vì thiếu máu. Tôi nghĩ nếu mẹ ở trong thời đại này, có lẽ mọi thứ đã khác”, ông Hiếu chia sẻ.
Ông Nguyễn Trí Hiếu đã trải qua 70 lần hiến máu tình nguyện. (Ảnh:Zing)
TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, cho biết: "Truyền máu là biện pháp điều trị có thể cứu sống người bệnh nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro, trong đó có việc lây nhiễm các mầm bệnh như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai".
Một trong những giải pháp quyết định và bền vững cho vấn đề này là xây dựng và duy trì nguồn hiến máu tình nguyện, thường xuyên. Tổ chức Y tế thế giới đang hướng tới mục tiêu 100% đơn vị máu tiếp nhận từ người hiến tình nguyện và đạt tỷ lệ 2% dân số tham gia vào năm 2020.
Theo TS Khánh, năm 2018, toàn quốc vận động và tiếp nhận gần 1,4 triệu đơn vị máu. Trong đó, 98,3% lượng máu tiếp nhận từ người hiến tình nguyện, tương đương hơn 1,4% dân số tham gia.
Không chỉ tổ chức tôn vinh người hiến máu, "Hành trình Đỏ” lần thứ VII sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 13/6 và kéo dài đến hết ngày 28/7 với sự tham gia của 39 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là năm đầu tiên chương trình được tổ chức trong thời gian dài nhất, với sự tham gia của nhiều địa phương nhất.