Crystal Guo cho biết hiện cô thường làm việc khoảng 6 tháng đến 1 năm rồi nghỉ. Đó là điều mà người phụ nữ 30 tuổi mô tả là lối sống mới: “làm việc không liên tục và nằm yên”.
Nhiều người trẻ ở Trung Quốc vỡ mộng và chán nản với công việc và cuộc sống, quay lưng lại với văn hóa hối hả đang đè nén khi họ phải đối mặt với những thách thức từ tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đến tình trạng cắt giảm nhân viên và những bất ổn kinh tế.
Sự cạnh tranh khốc liệt đến mức một số người nói rằng họ đã từ bỏ ước mơ và khát vọng của mình.
Jia Miao, phó giáo sư xã hội học từ Đại học New York Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết: “Mặc dù xã hội thường có sự cạnh tranh, nhưng thị trường hiện còn trở nên không chắc chắn do đại dịch, và năm nay những người trẻ tuổi khó tìm việc làm hơn nhiều”.
Nhiều người trẻ ở Trung Quốc vỡ mộng và chán nản với công việc và cuộc sống. (Ảnh minh họa)
Nói với CNBC, Guo kể lại cô đã bị sa thải hai lần trong vòng chưa đầy một năm, điều khiến cô cảm thấy “khá khó tin”.
Guo lần đầu bị cho nghỉ vào tháng 7/2021, khi đang làm việc tại công ty giáo dục tư nhân. Guo bị sa thải khi các quy định thắt chặt nhằm giảm bớt gánh nặng dạy thêm, học thêm ở Trung Quốc được áp dụng. Sau nửa năm du lịch vòng quanh Trung Quốc bằng tiền trợ cấp thôi việc, cô trở về Thâm Quyến và tìm được việc làm tại một công ty bất động sản vào tháng 2 năm nay.
Toàn bộ bộ phận của cô bị cho nghỉ việc ngay sau đó, điều đó khiến Guo cảm thấy kinh hoàng.
“Tôi chắc chắn đã bị ảnh hưởng… Tình hình thị trường việc làm năm nay khá tồi tệ. Khi tôi cố gắng tìm một công việc khác, thời điểm đó ngành công nghệ cũng có tình trạng sa thải nhân viên”, Guo nói.
Theo Guo, “nằm yên” đã trở thành một hình thức “thoát khỏi thực tại” đối với cô. Cô sử dụng thời gian rảnh rỗi nhận những công việc bán thời gian, giúp trang trải chi phí hàng ngày, hoặc theo đuổi những sở thích khác.
“Tôi thừa nhận, có thể tôi đang trốn tránh thực tế việc phải tìm việc làm”.
Trước đại dịch, Doris Fu từng tưởng tượng về một tương lai khác hiện tại cho bản thân và gia đình: xe mới, căn hộ lớn hơn, những bữa ăn ngon vào cuối tuần và kỳ nghỉ trên các hòn đảo nhiệt đới.
Nhưng nhà tư vấn tiếp thị 39 tuổi ở Thượng Hải hiện là một trong số nhiều người Trung Quốc ở độ tuổi 20 và 30 chú trọng lối sống cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm tiền. Nhiều người cũng đang bối rối trước những gián đoạn kinh tế hậu đại dịch ở Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp cũng như xu hướng lao dốc của thị trường bất động sản.
"Tôi không còn sửa móng tay, không làm tóc nữa. Tôi đã chuyển sang dùng tất cả mỹ phẩm do Trung Quốc sản xuất", Fu nói.
Lối sống “thanh đạm” với chi phí thấp và các mẹo tiết kiệm tiền đang được những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc lan tỏa. Đây có thể là giải pháp tạm thời với giới trẻ khi họ học cách giảm bớt nhu cầu của mình, chú trọng vào lối sống bền vững và có sự chuẩn bị cho những biến cố.
Một phụ nữ ở độ tuổi 20 ở thành phố Hàng Châu phía đông, sử dụng tên Lajiang, đã có hàng trăm nghìn người theo dõi khi đăng hơn 100 video về cách làm bữa tối 10 nhân dân tệ (1,4 USD) trên ứng dụng phong cách sống Xiaohongshu, cũng như trang web phát video trực tuyến Bilibili.
Các cuộc thảo luận trên mạng xã hội Trung Quốc nổi lên với việc chia sẻ mẹo tiết kiệm tiền, chẳng hạn như thử thách "sống với 1.600 nhân dân tệ (224,73 USD) một tháng" ở Thượng Hải, một trong những thành phố đắt đỏ nhất Trung Quốc.
Dù vậy, xu hướng tiêu dùng chững lại có thể là một mối đe dọa với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo Japan Times, chi tiêu tiêu dùng chiếm hơn một nửa GDP Trung Quốc.
Benjamin Cavender, giám đốc điều hành China Market Research Group (CMR) nói: “Chúng tôi lập bản đồ hành vi người tiêu dùng ở đây trong 16 năm và trong suốt thời gian đó, đây là thời gian đáng quan tâm nhất mà tôi từng thấy đối với người tiêu dùng trẻ tuổi”.
COVID-19 và sự gián đoạn kinh tế gây ảnh hưởng nặng nề đến lực lượng lao động Trung Quốc, trong đó chịu tác động lớn nhất là lao động trẻ. Theo dữ liệu của chính phủ nước này, tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 16 đến 24 tuổi ở mức gần 19%, trước đó là 20%. Hai cuộc khảo sát cho thấy một số lao động trẻ bị buộc giảm lương trong các lĩnh vực như bán lẻ và thương mại điện tử. Mức lương trung bình tại 38 thành phố lớn Trung Quốc giảm 1% trong ba tháng đầu năm nay, theo công ty Zhilian Zhaopin.
Sau nhiều năm chủ nghĩa tiêu dùng “cuồng nhiệt” được thúc đẩy cùng với tiền lương tăng, chi tiêu bằng thẻ tín dụng dễ dàng hơn và mua sắm trực tuyến, xu hướng tiết kiệm đưa những người trẻ Trung Quốc về gần hơn với lối sống thận trọng của cha mẹ họ, những người còn nguyên ký ức về những năm tháng khó khăn trước khi nền kinh tế đất nước bùng nổ.
Zhiwu Chen, giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Đại học Hong Kong, cho biết: “Giữa thị trường việc làm khó khăn và áp lực kinh tế mạnh mẽ, cảm giác bất an và không chắc chắn của những người trẻ tuổi là điều họ chưa từng trải qua”.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 ở Trung Quốc, từ tháng 5/2021 đến tháng 9/2022, theo các khảo sát. (Đơn vị: Phần trăm. Nguồn: SCMP, NBS)
Fu cho biết cô đã hoãn kế hoạch bán hai căn hộ nhỏ để mua căn hộ lớn, và hiện cũng từ bỏ việc nâng cấp chiếc Volkswagen Golf của mình. "Tại sao tôi không dám nâng cấp nhà và xe, ngay cả khi có tiền? Cái gì cũng đều không thể biết trước được”, cô nói.
Các nhà điều hành thương hiệu cao cấp như LVMH, công ty sở hữu Givenchy và "gã khổng lồ cà phê" Starbucks đều cho biết doanh số bán hàng của họ giảm mạnh ở Trung Quốc.
Đây cũng là xu hướng chung của người dân nước này. Gần 60% người Trung Quốc hiện có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn thay vì tiêu dùng hoặc đầu tư nhiều hơn, theo cuộc khảo sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Con số đó vào 3 năm trước là 45%.
Nhìn chung, các hộ gia đình Trung Quốc đã có thêm 10,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,54 nghìn tỷ USD) tiền tiết kiệm ngân hàng mới trong 8 tháng đầu năm 2022, tăng từ 6,4 nghìn tỷ nhân dân tệ cùng kỳ năm ngoái.
Đây có thể là một vấn đề đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc, thường dựa vào việc tăng tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng.
Khi nhận được công việc trong cơ quan nhà nước vào năm 2020, Wang Chang’an (tên nhân vật đã được thay đổi) cảm thấy như mình trúng số độc đắc.
Người đàn ông 30 tuổi từng có việc tốt tại một công ty ô tô ở Thượng Hải, và anh biết sự nghiệp trong lĩnh vực công sẽ không mang lại vẻ hào nhoáng hay tiềm năng kiếm tiền như trước. Nhưng anh tin rằng nó sẽ có những lợi thế khác: sự tôn trọng, lịch trình thoải mái hơn và sự “đảm bảo” an toàn về công việc.
Hàng triệu thanh niên Trung Quốc cũng có suy nghĩ tương tự trong đại dịch, theo Sixth Tone. Số lượng sinh viên tốt nghiệp nộp đơn dự thi công chức tăng kỷ lục. Wang phải đối mặt với gần 100 ứng viên khác cho vị trí tại một thị trấn nhỏ ở phía đông thành phố Tô Châu.
Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, Wang vỡ mộng với cuộc sống hiện thực và phải tìm một công việc khác.
Hậu đại dịch, khu vực công không còn là “nơi trú ẩn an toàn”. Trong tình hình kinh tế khó khăn, nhiều chính quyền địa phương Trung Quốc cũng phải đối mặt với khó khăn ngân sách và phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Những cắt giảm đó ảnh hưởng nặng nề đến công chức.
Wang ban đầu dự kiến kiếm được ít nhất 250.000 nhân dân tệ (34.600 USD) mỗi năm. Trên thực tế, anh chỉ kiếm được 160.000 nhân dân tệ. Lương cơ bản của anh bị giảm 30%, các khoản thanh toán bảo hiểm xã hội không được tăng như dự kiến, anh cũng không nhận được một phần tiền thưởng năm.
(Ảnh minh họa)
Thâm hụt cục bộ ở nhiều lĩnh vực tăng vọt đến mức đáng lo ngại. Trong 8 tháng đầu năm, khả năng tự cung tự cấp tài chính của một số chính quyền địa phương Trung Quốc giảm xuống 51,7%, mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ, theo truyền thông nước này.
Chính quyền trung ương Trung Quốc đã đồng ý chuyển thêm kinh phí cho chính quyền địa phương, nhưng điều này chưa thể để bù đắp ngay cho sự thiếu hụt.
Yin Yu, cô gái 25 tuổi trở về quê hương ở tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc sau khi tốt nghiệp vào năm ngoái và làm việc tại một trường cấp hai địa phương.
Vào ngày đầu tiên, hiệu trưởng cảm ơn Yin và những nhân viên mới khác vì đã sẵn sàng gia nhập trường và hứa sẽ không coi niềm đam mê của họ là điều hiển nhiên, theo Yin. Nhưng trong vòng vài tháng, các giáo viên nhận thấy họ chỉ được trả khoảng một nửa số tiền lương dự kiến. Vào tháng 8, hiệu trưởng đột ngột rời khỏi trường.
Yin cho biết cô và các đồng nghiệp có thể chỉ kiếm được 80.000 nhân dân tệ trong năm nay. Lương cơ bản của họ chưa bao giờ tăng trên 3.200 nhân dân tệ mỗi tháng, trong khi giáo viên tại các trường khác gần đó kiếm được gần gấp đôi. Các khoản thanh toán bảo hiểm xã hội, tiền thưởng và trợ cấp chi phí hàng năm của họ cũng bị giảm. “Tôi thực sự muốn nghỉ việc”, Yin nói.
Việc cắt giảm lương đã ảnh hưởng rất lớn đến Yin và gia đình cô. Cô đã lên kế hoạch kết hôn, hay có thể giúp mẹ mua một căn nhà ở Tứ Xuyên, nhưng giờ không đủ khả năng.
Yin nói: “Tôi thực sự cảm thấy có lỗi với mẹ mình. Thật buồn cười khi nói rằng tôi là một giáo viên - đó không phải là một công việc tuyệt vời sao? Nhưng tại sao tôi không đủ khả năng để nuôi mẹ tôi?”
Không phải mọi công chức tại Trung Quốc đều bị ảnh hưởng như nhau. Theo chuyên gia, không có chính sách toàn quốc nào liên quan đến việc cắt giảm lương, vì các quyết định đang được chính quyền địa phương đưa ra tùy theo nhu cầu cụ thể của họ.
Theo SCMP, hiện chính phủ Trung Quốc cam kết nỗ lực để cung cấp thêm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học. Số lượng này dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm tới.
Các nhà chức trách sẽ khuyến khích khu vực tư nhân tạo ra nhiều việc làm hơn và yêu cầu khu vực công mở rộng cơ hội cho sinh viên đại học làm việc tại các tổ chức cấp cơ sở, theo một tài liệu do Bộ Giáo dục nước này ban hành hôm thứ 16/11.
Bắc Kinh dự kiến số sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ đạt 11,58 triệu vào năm 2023, tăng 820.000 so với năm nay. (Ảnh minh họa: Getty)
Bắc Kinh dự kiến số sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ đạt 11,58 triệu vào năm 2023, tăng 820.000 so với năm nay.
Bộ kêu gọi các nhà lãnh đạo trường đại học đến thăm các công ty để kết nối tốt hơn sinh viên với việc làm sau khi tốt nghiệp và tổ chức các sự kiện tuyển dụng trong khi duy trì các biện pháp kiểm soát đại dịch.
Tài liệu cũng đề xuất “phát huy hết vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) trong việc thu hút việc làm”, đồng thời bổ sung chính phủ sẽ thực hiện các chính sách thuận lợi để các doanh nghiệp này có thể tiếp nhận những người trẻ tuổi.
Bộ hy vọng sẽ tạo thêm nhiều công việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, chăm sóc người già và công tác xã hội, đồng thời khuyến khích những người trẻ tuổi làm việc hoặc khởi nghiệp ở những vùng sâu vùng xa.
Để đẩy nhanh việc tuyển dụng, Trung Quốc cũng sẽ bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký việc làm – một tài liệu phức tạp chứng minh sự chuyển đổi từ quá trình đi học sang đi làm – tồn tại từ năm 1999.
Theo Mao Yufei, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc, thị trường việc làm có thể sẽ tiếp tục trầm lắng cho đến năm sau.
Mao cho biết: “Vẫn còn những áp lực và thách thức đối với việc làm đối với những sinh viên tốt nghiệp năm 2023, và họ sẽ phải trải qua chu kỳ tìm kiếm việc làm kéo dài".
Mao nói vẫn có cơ hội trong các ngành sản xuất mới và dịch vụ hiện đại của Trung Quốc, bao gồm y sinh học, công nghệ truyền thông và mạch tích hợp, có thể tạo ra chỗ làm cho sinh viên tốt nghiệp. Lĩnh vực này đang phát triển và đủ điều kiện nhận trợ cấp của chính phủ.
Theo Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc, thị trường lao động nước này đang mất cân bằng. Có khoảng cách lớn về nhu cầu lao động ở các khu vực phía Tây và nhu cầu lao động trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là các kỹ thuật viên cao cấp.
“Cũng cần khuyến khích sinh viên đại học thay đổi quan niệm về công việc và điều chỉnh hợp lý kỳ vọng công việc của mình, dựa trên tình hình việc làm và nhu cầu tuyển dụng hiện tại”, Mao nói.