Ngành công nghệ của Trung Quốc từng là “miền đất hứa” đối với người lao động nhờ sự tăng trưởng vượt bậc trong thập kỷ qua. Nhưng giờ đây, cánh cửa tiến vào các công ty công nghệ không chỉ đang thu hẹp mà còn khiến những người làm việc tại đây rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt.
Cô Xiang Zikui làm việc trong bộ phận trò chơi của iQiyi - một trong những công ty internet hàng đầu Trung Quốc. Zikui rất tự hào về công việc đang làm và yên tâm rằng sự nghiệp của mình sẽ ổn định vì IQiyi là công ty lớn. Vì vậy, cô đã bị sốc khi nghe tin công ty sẽ tiến hành sa thải quy mô lớn.
Công ty iQiyi, thuộc sở hữu của Baidu, đang cắt giảm hơn 30% nhân sự tại một số bộ phận có chi phí cao. Làn sóng sa thải này dự kiến sẽ còn tiếp diễn.
Ngành công nghệ của Trung Quốc không còn là “miền đất hứa” đối với người lao động. (Ảnh: SCMP)
Việc iQiyi cắt giảm nhân viên cũng phản ánh hoàn cảnh khó khăn của tất cả các công ty internet trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh siết chặt kiểm soát ngành này, tăng cường giám sát nội dung và không khoan nhượng với các hoạt động độc quyền.
“Việc sa thải có thể liên quan đến xu hướng chung của ngành. Hiện nay có rất nhiều quy định chặt chẽ về những lĩnh vực bao gồm trò chơi, quảng cáo trực tuyến, và mọi thứ liên quan đến quyền riêng tư, điều này khiến tôi cảm thấy ngành công nghiệp này có thể đã gặp phải một chướng ngại”, cô ZIkui nói.
Xin việc khó khăn, lương thưởng thì ngày càng ít
Trong quá khứ, sinh viên ưu tú tốt nghiệp từ những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc luôn được các ông lớn trong ngành công nghệ tranh giành. Mức lương được đề xuất cho họ đặc biệt cao. Nhưng theo báo cáo tháng 11 của trang web tìm kiếm việc làm Lagou, nhu cầu tuyển dụng nhân tài từ các công ty internet lớn đã giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ vậy, nguồn thu nhập của người làm trong ngành cũng có nguy cơ bị cắt giảm. Một cuộc khảo sát khác của Lagou cho thấy, chưa đến một nửa số nhân viên tại các công ty internet của Trung Quốc hy vọng nhận được tiền thưởng vào cuối năm nay.
Do mức đãi ngộ ngày càng đi xuống, nhiều người làm trong ngành công nghệ đang xem xét lại định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Họ có xu hướng chuyển từ doanh nghiệp tư nhân sang các cơ sở thuộc nhà nước để có công việc ổn định.
Feng Xing (bài viết sử dụng tên giả để bảo vệ nhân vật), một kỹ sư phần mềm làm việc tại một công ty thuộc nhà nước ở Thành Đô, cho biết nhiều đồng nghiệp mới của anh đến từ các công ty internet lớn.
Theo Feng, một yếu tố lớn khiến mọi người ngày càng e ngại nghành công nghệ là “mức tuổi 35 huyền thoại” - những người trên 35 tuổi thường bị các nhà tuyển dụng xa lánh và có nguy cơ cao bị sa thải trong các đợt cắt giảm nhân sự, trừ khi họ nằm trong hàng ngũ quản lý cấp cao.
Zhu Chenhui (trái) và Lin Shanshan Sunny - những streamer nổi tiếng tại Trung Quốc. (Ảnh: Weibo)
Ngành công nghiệp livestream bị giáng đòn nặng nề
Kelly Huang, 30 tuổi, từng làm việc tại một trong những nền tảng livestream hàng đầu Trung Quốc. Cô Huang cho biết, vào thời điểm cô mới vào làm, tiềm năng của ngành công nghiệp livestream dường như là vô hạn. Nhưng việc Bắc Kinh siết chặt kiểm soát khiến tương lai phát triển của ngành này không còn lạc quan như trước.
“Hầu như tất cả thu nhập của các nền tảng livestream đều kiếm được từ những ‘vùng xám’ ở Trung Quốc. Trước đây thì có thể thu được rất nhiều, nhưng giờ thì tốc độ tăng trưởng doanh thu về cơ bản là chỉ đứng im một chỗ”, Huang chia sẻ.
Những tháng gần đây, tính năng livestream đã bị chính phủ Trung Quốc liên tục chỉ trích vì có thể lan truyền các nội dung không lành mạnh, mức thuế trong ngành này cũng không rõ ràng.
Huang Wei - hay còn gọi là Vy Á, người được mệnh danh là Nữ hoàng livestream Trung Quốc - phải chịu mức phạt tiền kỷ lục 1,34 tỷ Nhân dân tệ (210 triệu USD) từ cục thuế địa phương vì tội trốn thuế. Nhiều người khác cũng phải trả các khoản tiền phạt ở mức nhẹ hơn.
Vy Á cho biết việc triển vọng của ngành công nghiệp livestream suy giảm đã “tàn phá tinh thần” cô. Cuối cùng, Vy Á phải bỏ việc và gia nhập một công ty phần cứng.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã cấm trẻ em dưới 18 tuổi chơi trò chơi điện tử quá 3 giờ/tuần.
Cộng đồng mạng cũng mệt mỏi vì bị kiểm soát
Không chỉ người lao động mới bị ảnh hưởng bởi chính sách quản lý hà khắc của Bắc Kinh vào năm 2021, những người sử dụng dịch vụ internet cũng phải làm quen với nhiều bất tiện để tuân thủ các quy định mới.
Bắc Kinh đang tăng cường giám sát nội dung trực tuyến với lý do “cần phát huy các giá trị văn hóa tích cực”. Kết quả là hơn 100 nền tảng trực tuyến đã bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng vì cáo buộc vi phạm quyền riêng tư và “phát hành thông tin bất hợp pháp”.
Ngay cả Weibo - mạng xã hội thông dụng nhất ở Trung Quốc - cũng bị phạt vì liên tục cho phép đăng tải "thông tin bị cấm theo quy định của pháp luật”. Công ty này đã bị phạt tổng cộng 44 lần từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, với tổng số tiền phạt là 14,3 triệu Nhân dân tệ (khoảng 2,24 triệu USD).
Xiuli Zhou - một người dùng internet tại Thượng Hải - phàn nàn tài khoản Weibo của cô bị cấm đăng bài mà không có lý do rõ ràng.
“Kết quả là tôi phải liên tục tự kiểm duyệt chính mình”, Zhou cho biết thêm rằng cô thường phải sử dụng tiếng địa phương hoặc biến tấu từ ngữ để “né” kiểm duyệt, đây cũng là phương pháp thường được cư dân mạng Trung Quốc sử dụng. Tuy nhiên, việc này khiến trải nghiệm trên internet của người dùng giảm đáng kể.
“Việc né tránh kiểm duyệt rất rắc rối và gây khó chịu”, Zhou nói.
Hồi tháng 8, các nhà chức trách Trung Quốc đã cấm trẻ em dưới 18 tuổi chơi trò chơi điện tử quá 3 giờ/tuần, đồng thời đóng băng việc cấp giấy phép cho các trò chơi điện tử mới ở nước này. Tuy Bắc Kinh tuyên bố rằng họ muốn quảng bá những nội dung tích cực trong giới trẻ, nhưng sự kiểm soát có phần hà khắc này vẫn khiến nhiều người cảm thấy khó chịu.