Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mất tiền oan từ tờ giấy xét nghiệm ung thư tại nhà

(VTC News) -

Không ít người tin và mua trên mạng giấy xét nghiệm ung thư đại tràng, nhưng theo bác sĩ, mọi người không nên tự ý thực hiện, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc.

Nhiều tháng nay, anh Hoàng Văn Thanh (50 tuổi, Hà Nội) thường xuyên bị đau bụng, đại tiện ra máu. Sợ chồng bị ung thư đường tiêu hoá, chị Nguyễn Thị Trang động viên đi khám nhưng anh lại sợ tốn kém.

Chị Trang được hàng xóm mách mua giấy xét nghiệm máu ẩn trong phân bán trên mạng để kiểm tra, vừa tiết kiệm lại không phải tới bệnh viện. Tò mò về phương pháp đơn giản, dễ làm này, chị lên Internet đọc và bị lôi cuốn bởi sản phẩm.

Theo lời người bán, trong sàng lọc ung thư đại trực tràng, đây gọi là giấy xét nghiệm máu ẩn trong phân, nhập từ Mỹ. Nếu thả giấy vào bồn cầu khoảng 2 phút thấy chuyển màu xanh, cảnh báo loét đại trực tràng, polyp hoặc ung thư đại trực tràng.

Để so sánh, chủ tài khoản mạng xã hội này để miếng giấy kiểm tra ung thư đại trực tràng vào 2 bồn cầu khác nhau. Sau 2 phút, một miếng giấy chuyển màu xanh, tức là bị bệnh, miếng còn lại không chuyển màu, “chứng tỏ không có dấu hiệu ung thư đại trực tràng”, người bán hàng cho hay.

Nghe người bán hàng quảng cáo sản phẩm giấy test ung thư, chị Trang hoàn toàn bị thuyết phục. Chị liền đặt mua 2 hộp với giá 1 triệu đồng để cho chồng kiểm tra.

Kết quả, miếng giấy không chuyển màu. Tình trạng đau bụng, đại tiện ra máu của anh Thanh vẫn diễn ra. Sau cùng, anh đến bệnh viện nội soi đại trực tràng, các bác sĩ phát hiện trong trực tràng của anh có nhiều polyp với hình dáng, kích thước khác nhau. Kết quả sinh thiết giải phẫu bệnh cho thấy anh bị viêm trực tràng.

Nhiều tài khoản mạng xã hội giới thiệu bài test ung thư đại trực tràng ngay tại nhà. (Ảnh chụp màn hình)

Theo bác sĩ Trần Đức Cảnh, khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K Trung ương, hiện trên thị trường có nhiều loại xét nghiệm máu ẩn được quảng cáo nhằm đánh vào tâm lý những người muốn sử dụng các phương pháp đơn giản, rẻ tiền vẫn chẩn đoán được bệnh.

Theo bác sĩ Cảnh, hiện rất nhiều loại xét nghiệm máu ẩn chưa được khuyến cáo sử dụng để sàng lọc ung thư hay polyp đại trực tràng. Mọi người không nên tự ý thực hiện, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc mà cần thực hiện theo tư vấn của nhân viên y tế.

Chuyên gia ung bướu cho biết, để sàng lọc ung thư hay polyp đại trực tràng, hiện có một vài phương pháp để sàng lọc như xét nghiệm máu ẩn, chẩn đoán hình ảnh (bao gồm nội soi đại trực tràng và chụp cắt lớp vi tính đại trực tràng). So với các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu ẩn trong phân chi phí thực hiện thấp hơn và kỹ thuật đơn giản, người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà nên nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.

Khi nghiên cứu về đặc điểm của polyp hay ung thư đại trực tràng, các nhà khoa học nhận thấy mạch máu của các tổn thương này thường tăng sinh, kích thước lớn hơn, dễ bị tổn thương, dễ chảy máu khi bị phân cọ xát qua.

Mạch máu bị tổn thương, máu sẽ chảy vào trong lòng đại trực tràng nhưng ban đầu số lượng máu sẽ rất ít nên hiếm khi nhìn thấy bằng mắt thường. Do đó, xét nghiệm máu ẩn trong phân có thể giúp người bệnh sàng lọc ban đầu, định hướng làm xét nghiệm chuyên sâu để phát hiện bệnh lý polyp hay ung thư đại trực tràng ngay từ giai đoạn sớm. Nhiều nghiên cứu chứng minh xét nghiệm này giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng.

Ai nên thực hiện xét nghiệm máu ẩn trong phân?

Theo bác sĩ Cảnh, trước tiên bạn cần xác định bản thân mình có yếu tố nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng mức độ nào.

Dựa vào hướng dẫn của Hội Ung thư Mỹ và Lực lượng đặc nhiệm đa xã hội Mỹ về ung thư đại trực tràng, người nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng là người có một trong các yếu tố như tiền sử bản thân mắc bệnh polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, bệnh lý ruột viêm, mắc các bệnh lý di truyền như hội chứng Lynch, bệnh đa polyp tuyến gia đình.

Người có tiền sử gia đình bị ung thư đại trực tràng, tiền sử bản thân xạ trị vùng bụng hoặc vùng tiểu khung để điều trị ung thư trước đó.

Với nhóm đối tượng này, sàng lọc ung thư đại trực tràng nên thực hiện sớm, trước 45 tuổi và không nên sàng lọc bằng xét nghiệm máu ẩn trong phân, nên thực hiện nội soi đại trực tràng định kỳ.

Trái với người nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng trung bình, gồm người không có tiền sử bản thân mắc bệnh polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, bệnh lý ruột viêm, mắc các bệnh lý di truyền như hội chứng Lynch, bệnh đa polyp tuyến gia đình.

Người có tiền sử gia đình bị ung thư đại trực tràng, tiền sử bản thân xạ trị vùng bụng hoặc vùng tiểu khung để điều trị ung thư trước đó.

Với nhóm đối tượng này, sàng lọc ung thư đại trực tràng nên thực hiện ở tuổi 45, có thể sử dụng xét nghiệm máu ẩn trong phân để sàng lọc. Các xét nghiệm phân được khuyến cáo sử dụng để sàng lọc ung thư đại trực tràng.

Bác sĩ Cảnh khuyến cáo, tuy kỹ thuật thực hiện đơn giản nhưng chỉ có quá trình lấy mẫu phân là người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà còn việc đọc kết quả bệnh phẩm vẫn cần gửi lại cho các cơ sở y tế.

Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính (có máu ẩn) thì chỉ gợi ý trong phân có máu. Ngoài ra, bạn cũng không biết chính xác vị trí máu chảy từ đường tiêu hóa trên (dạ dày) hay đường tiêu hóa dưới, không biết được nguyên nhân chảy máu nên bạn vẫn cần nội soi đại trực tràng để kiểm tra.

Nguyên nhân máu ẩn trong phân có thể là polyp hoặc ung thư đại trực tràng hoặc nguyên nhân khác như loét, trĩ hoặc bệnh lý khác.

NHƯ LOAN

Tin mới