Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mặt sưng tấy, chân teo đi, người đàn ông biến dạng vì chữa khớp bằng thuốc đông y trôi nổi

Đắp thuốc đông y được một thời gian, khuôn mặt người đàn ông sưng lên, trong khi đó chân teo đi, ngón tay thì co rút, còn người phụ nữ thì bị bỏng hết hai đầu gối.

Bệnh nhân H.T.H, 44 tuổi sinh sống tại Tây Ninh, gặp tai họa vì chữa khớp bằng thuốc đông y chỉ mới thuyên giảm các triệu chứng trên, chứ chưa khỏi hẳn sau một thời gian điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM).

Theo đó, ông H. bị hội chứng Cushing, mặt ông H. từ từ tròn ra, trong khi tay chân teo, ngón tay co rút,… biến dạng cơ thể. Hội chứng này chỉ xuất hiện khi bệnh nhân sử dụng quá liều hoặc lạm dụng corticoid.

 Bệnh nhân H. bị sưng mặt và teo cơ chân vì sử dụng thuốc nam điều trị bệnh khớp (Ảnh: BV Nhân dân 115)

Qua khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng 2-3 năm nay, ông H. tthường sưng đau các khớp bàn tay và cổ tay 2 bên. Nhưng thay vì đến bệnh viện, ông lại tự điều trị bằng thuốc đông y không rõ nguồn gốc tại địa phương.

Lúc đầu uống thuốc đông y, khớp giảm sưng đau thấy rõ. Nhưng 1 tháng sau, mặt ông H. tròn ra, tăng cân dần, tay chân teo nên ngưng thuốc. Rồi, khớp lại tiếp tục sưng đau nên ông dùng lại bài thuốc cũ. Cho tới 2 tháng gần đây, ông H. bị rút các ngón tay, trên da xuất hiện nhiều vết bầm, sưng đau ngày càng tăng nên ông quyết định tới TP.HCM điều trị.

Tại khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân Dân 115, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có tình trạng: Mặt tròn đỏ, béo thân, teo cơ gốc chi, da mỏng, bầm máu rải rác, biến dạng các khớp bàn tay ... Đây đều là các dấu hiệu điển hình của hội chứng Cushing.

Kết quả chụp Xquang cho thấy: Ông H. bị bán trật khớp bàn - ngón 1 bàn tay trái; biến dạng các khớp liên đốt ngón bàn tay phải, trái; hẹp các thân sống T12, L1 đến L4, hình ảnh thoái hóa cột sống thắt lưng. Đo mật độ xương bị loãng xương T-score -3.2, sinh hóa máu thi Glucose tăng 9.77 mmol/l…

Video: Truy tìm kẻ ngang nhiên chào bán thuốc An cung trúc hoàn giả, giả mạo lương y Nguyễn Quý Thanh

Từ kết quả xét nghiệm chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán ông H. mắc bệnh viêm khớp dạng thấp - đau rễ thần kinh - loãng xương xẹp đốt sống - cushing do thuốc.

Qua trường hợp của ông H., bác sĩ khuyến cáo: Các thuốc đông y không rõ loại có thể chứa corticoid gây tác dụng phụ: Hội chứng Cushing, loãng xương, teo cơ, rối loạn đường huyết… nếu người bệnh lạm dụng thuốc.

Trước đó một ngày, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân N.T.T, 40 tuổi, sinh sống tại quận Tân Bình, TP.HCM tới điều trị vì nhận hậu quả do dùng thuốc nam. Chị T. bị bỏng đầu gối với các triệu chứng như sốt cao, 2 đầu gối bị sưng đỏ, có nhiều bóng nước.

Theo lời kể của bệnh nhân, chị có tiền sử đau khớp gối, đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi, không nóng đỏ. Nhưng thay vì đến bệnh viện, chị đến khám và điều trị theo lời chỉ dẫn của một thầy thuốc nam: Bó thuốc nam nóng vào 2 khớp gối liên tục trong 3 ngày.

Hậu quả là sau 3 ngày bó thuốc, chị T. cảm thấy bỏng rát ở gối, vùng da quanh 2 khớp gối nổi bóng nước kèm sốt phải nhập viện.

 Hai đầu gối bị bỏng rát của chị T. (Ảnh: BVCC)

Tại khoa Cơ xương khớp, chị T. được chẩn đoán mắc viêm da có mủ, thoái hóa khớp gối. Sau 10 ngày tích cực điều trị truyền kháng sinh tĩnh mạch, giảm đau hạ sốt, chị T. từ từ hồi phục, vết thương trên da khô, lành dần.

Với trường hợp của chị T., BS.CK2 Chế Thanh Đoan - Phó khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân Dân 115 khuyên: "Bệnh nhân thoái hóa khớp gối hoặc có vấn đề về xương khớp nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị đúng cách, không nên cắt lể, bó thuốc theo kinh nghiệm… bởi chẳng những bệnh không giảm mà còn “tiền mất, tật mang”.

Hai trường hợp này nhắc nhở người dân phải cảnh giác trước những thuốc giảm đau, thuốc đông y không rõ nguồn gốc và nên khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hướng dẫn dùng thuốc an toàn nhất.

Chi Lê

Tin mới