Markus Söder là ai?
Không có nhiều chính trị gia Đức có được sự ủng hộ của công chúng trong cuộc khủng hoảng COVID-19 nhiều như Markus Söder, Thủ hiến bang Bavaria và người đứng đầu đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đảnh chị em của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Angela Merkel.
Chính trị gia sinh năm 1967 tại Nuremberg, từng học luật và từng là nhà báo. Ông bắt đầu tham gia CSU từ năm 1983.
Markus Söder. (Ảnh: Sky News)
Sự nghiệp chính trị của Söder là một cuộc đấu tranh lâu dài bao gồm không ít bước lùi đòi hỏi sự kiên nhẫn, và có lẽ là cả việc giải quyết những vấn đề hậu trường.
Sau năm 2007, ông đảm nhận một loạt các chức vụ trong Nội các Bavaria: phụ trách các vấn đề liên bang và châu Âu, môi trường và y tế, tài chính, phát triển. Vào tháng 3/2018, ông cuối cùng đã kế nhiệm đối thủ lâu năm của mình là Horst Seehofer, trở thành người đứng đầu bang Bavaria.
Ông cũng là chủ tịch hội đồng thủ hiến, cơ quan có công trong việc hướng dẫn các biện pháp ngăn chặn COVID-19 của Đức - và do đó, là một trong số ít những gương mặt xuất hiện thường xuyên cùng với Thủ tướng sau các cuộc họp giải quyết khủng hoảng.
Tính từ đầu tiên được gắn liền với chính trị gia này dường như là "tham vọng". Trước đó, tại các hội nghị của đảng, xuất hiện cùng với Seehofer, Söder trẻ tuổi đã thể thiện mình là người biết cách phát biểu trước công chúng và biết cách cư xử trong đám đông.
Söder cũng được xem là một chính trị gia có thể đại diện cho cả truyền thống và hiện đại. "Chúng tôi muốn trở nên hiện đại nhưng vẫn có chất Bavaria", ông nói năm 2018. "Chúng tôi sẽ quản lý tương lai và quan tâm đến các vấn đề của mọi cá nhân, đó là triết lý của chúng tôi".
Ông nhanh chóng trở thành một đối tác mạnh mẽ của bà Merkel, kết thúc những ngày mà CSU tỏ ra hoạt động đối lập với CDU.
Khi cuộc khủng hoảng COVID-19 bắt đầu, Söder là người đã vươn lên trở thành một trong những chính trị gia được yêu thích nhất ở Đức. Những tuyên bố nhanh chóng, rõ ràng của ông - từ việc đóng cửa trường học đến ngừng các giải bóng đá chuyên nghiệp - khiến các thủ hiến bang khác phải theo sau, trong đó có Armin Laschet, lãnh đạo bang đông dân nhất của Đức, North Rhine-Westphalia, người đã tuyên bố ứng cử để kế nhiệm bà Merkel.
Giờ đây, việc dẫn dắt CSU thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19 tùy thuộc vào Söder. CSU chắc chắn sẽ cố gắng dùng điều này tạo động lực cho cuộc tổng tuyển cử tháng 9.
Cuộc đua phức tạp
Ông Armin Laschet đã được bầu làm lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), từ đó có cơ hội lớn trở thành người kế nhiệm bà Angela Merkel do đảng này có khả năng giành số phiếu bầu cao nhất trong cuộc tổng tuyển cử tháng 9/2021. Cũng theo truyền thống, Chủ tịch CDU thường là ứng cử viên Thủ tướng cho Liên đảng CDU/CSU.
Dù vậy, lãnh đạo CSU Markus Söder vẫn được xem là ứng viên với tiềm năng không thua kém theo kết quả một số cuộc khảo sát gần đây.
Thủ tướng Đức Angela Merkel là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất chính trường châu Âu.
Trong cuộc thăm dò do Der Spiegel công bố, gần 40% người Đức tin rằng Söder, 54 tuổi, sẽ là ứng cử viên bảo thủ mạnh nhất cho cuộc đua vào vị trí Thủ tướng. Söder được coi là một chính trị gia lão luyện, lôi cuốn và quyết đoán, có kinh nghiệm lãnh đạo.
Trong các cuộc khảo sát này, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn, một chính trị gia bảo thủ nổi tiếng khác được cho là đang có ý định tranh cử cũng được đề cập. Ông Spahn gây chú ý vì mới 40 tuổi và từng có tỷ lệ ủng hộ vượt bà Merkel trong một khảo sát, tuy nhiên ông được cho là thiếu kinh nghiệm điều hành như Söder và Laschet.
Không có thời gian biểu chính thức để lựa chọn ứng cử viên cho chức Thủ tướng, mặc dù nhiều ý kiến tin rằng quyết định nên được đưa ra trước tháng 3, tương đương 6 tháng trước cuộc bầu cử. Quyết định sẽ được đưa ra sau khi CDU và CSU cùng thảo luận.
Nhìn chung, cuộc đua tìm ra gương mặt “hậu kỷ nguyên Merkel” chắc chắn sẽ là một cuộc đua không dễ đoán.