Ẩm thực miền Trung khiến thực khách mê mẩn bởi cái chất dân dã của nguyên liệu và cách chế biến. Nhiều món ngon của người dân nơi đây lại có nguồn gốc hết sức quen thuộc mà đôi khi ta không thể ngờ, cùng một nguyên liệu ấy lại có thể chế biến được nhiều cách đến vậy.
Món mắm đam là một ví dụ. Con đam (hay còn gọi là con rạm) là một loại động vật có họ cua nhưng ăn béo và có nhiều gạch hơn. Người sành ăn thường thích ăn đam hơn cua. Với người miền Trung, đặc biệt ở Hà Tĩnh và Quảng Trị, ngoài những cách chế biến thông thường như nấu canh, rang muối,... thì đam còn được làm mắm.
Con đam hay còn gọi là con rạm. (Ảnh minh họa)
Đam rất béo và nhiều gạch. (Ảnh minh họa)
Mắm đam là một trong những đặc sản nổi tiếng nơi đây. Vào mùa gặt, đam béo, người dân thường giữ lại để làm một hũ nước mắm để thưởng thức dần. Ngoài nguyên liệu chính là đam, loại mắm này còn được kết hợp với một số phụ liệu và gia vị để hương vị đậm đà hơn như thính ngô, riềng, hạt tiêu, hành tăm, nghệ, gừng và vỏ quả tắc.
Đam được rửa sạch rồi trộn chung với các nguyên liệu khác để làm mắm. (Ảnh minh họa)
Loại mắm này khi hoàn thành có mùi rất thơm, vị ngọt của thịt, một chút cay cay của ớt và vị thơm của gừng. Các hương vị kết hợp với nhau một cách hoàn hảo tạo nên một loại nước chấm, gia vị trứ danh.
Mắm đam là loại nước chấm rất được ưa chuộng, thường xuyên xuất hiện trên mâm cơm của người miền Trung. Bữa cơm chỉ cần một đĩa rau luộc ăn kèm với mắm đam được dầm thêm ít ớt và tỏi thì cũng đủ để người ta phải ăn đến mấy bát.
Như nhiều món mắm khác, mắm đam thường được dùng để chấm với rau luộc và rau sống. (Ảnh minh họa)
Không chỉ là nước chấm, nước mắm đam còn là gia vị được sử dụng phổ biến trong nấu ăn. Thêm một chút mắm cua đồng vào canh, món xào hay món kho cũng sẽ làm dậy mùi thơm và khiến món ăn đậm đà, hấp dẫn hơn rất nhiều.