Cục Hàng không Việt Nam khẳng định như trên tại văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về công tác quản lý, giám sát việc sử dụng slot. “Cục Hàng không sẽ tiến hành thu hồi chuỗi slot không sử dụng trong 5 tuần liên tiếp của các hãng hàng không Việt Nam kể từ ngày 28/3”, văn bản do ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng ký, nêu rõ.
Thị trường hàng không đang "nóng"những tranh cãi về giờ hạ, cất cánh (slot) tại sân bay, sau khi Bamboo Airways gửi văn bản khiếu kiện tới Thủ tướng.
Ngoài ra, nhằm sử dụng hiệu quả slot trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển gia tăng dịp hè, nhà quản lý đã cho sử dụng quỹ slot do các hãng hàng không nước ngoài trả lại và tăng tỷ lệ sử dụng slot trong việc xác nhận slot bổ sung.
Xung quanh câu chuyện slot bay, xuất hiện tình trạng một số hãng hàng không giữ một lượng lớn slot tại 2 sân bay đầu mối là Nội Bài và Tân Sơn Nhất nhưng không khai thác.
Theo đó, trong văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị về tình trạng lãng phí giờ hạ, cất cánh tại các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, hãng Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) cho rằng, công tác điều phối slot tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang gặp vấn đề trong công tác tối ưu nguồn lực khi trung bình mỗi ngày có khoảng 30 slot dư thừa tại mỗi sân bay, trong khi một số hãng hàng không trong và ngoài nước có nhu cầu khai thác nhưng lại không được phân bổ slot.
“Tình trạng này đồng nghĩa với việc đang có một sự lãng phí tài nguyên quốc gia, lãng phí nguồn nhân/vật lực đã được đầu tư tại các sân bay, mất cơ hội của các hãng hàng không có nhu cầu tăng cường các chuyến bay vận tải hành khách và hàng hóa”, đại diện Bamboo Airways cho hay.
Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế điều phối slot hiện nay chưa phát huy hiệu quả dẫn đến một số hãng chiếm giữ quỹ slot nhưng không khai thác. Trong khi đó, kể từ ngày bắt đầu khai thác đến nay, Bamboo Airways luôn là hãng sử dụng tối đa và tối ưu số slot được phân bổ nhưng luôn trong tình trạng thiếu slot để khai thác.
Được biết, trong thời gian qua, hãng bay này đã có những kiến nghị và đề xuất giải pháp rất cụ thể tới các cơ quan quản lý, đặc biệt là Hội đồng Điều phối slot (trực thuộc Cục Hàng không Việt Nam) nhằm điều chỉnh các quy định và chế tài hiện tại với mục đích tối ưu nguồn lực đang bị lãng phí nhưng bất cập nêu trên vẫn chưa được giải quyết.
“Bamboo Airways mong muốn Thủ tướng quan tâm, xem xét và sớm có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên slot tại các sân bay tại Việt Nam”, lãnh đạo hãng bay bày tỏ.
Tuy nhiên, sau văn bản nói trên của Bamboo, ngày 22/4, Cục hàng không đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT, cho thấy vấn đề và số liệu mà Bamboo nêu là không chính xác. Thực tế, Cục "đã triển khai các giải pháp giám sát chặt chẽ tình hình sử dụng đúng slot, các slot không sử dụng của các hãng hàng không và có các chế tài đối với các hãng sử dụng không hiệu quả".
Theo Cục Hàng không, hàng tuần, cơ quan này thống kê, công bố kết quả giám sát, hãng có tỷ lệ sử dụng đúng slot trên 80% để xem xét cấp slot bổ sung. Trong 2 tuần đầu tiên sử dụng slot bay mùa hè (28/3 đến 31/10), tỷ lệ sử dụng slot của các hãng đạt tới 94,5% tại Nội Bài và 85,3% tại Tân Sơn Nhất.
Trước đó, Cục đã yêu cầu các hãng nâng cao tỷ lệ sử dụng slot và trả sớm trước 7 ngày các slot không sử dụng để cho các hãng khác có nhu cầu, sử dụng. Từ đó, tỷ lệ sử dụng slot tuần từ 12 đến 18/4 đã tăng lên 90,5% tại TSN và 95% tại Nội Bài. Qua đó, đã nâng cao hiệu quả sử dụng slot và tạo cơ hội cho các hãng hàng không có nhu cầu có thể tiếp cận, tận dụng thêm slot do các hãng khác trả lại.
Theo báo cáo của Cục Hàng không trong giai đoạn này ngay cả Bamboo cũng không sử dụng hết slot được cấp (có 3 trên 4 tuần Bamboo không sử dụng 100% slot được cấp ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất). Về cáo buộc để lãng phí slot, theo Cục Hàng không, phần lớn các slot không sử dụng là slot ban đêm (từ 23 – 5h). Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước tăng slot, Cục đã cấp slot ở các sân bay trong nước của hãng bay nước ngoài không sử dụng (do dịch COVID-19) để cấp cho hãng bay trong nước.