Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lúc hoạn nạn mới biết doanh nghiệp có tâm hay kiếm lợi bằng mọi giá

(VTC News) -

Lúc khó khăn, nước sôi lửa bỏng mới thấy rõ doanh nghiệp nào làm ăn có tâm, doanh nghiệp nào thất đức, coi hoạn nạn, biến cố của cộng đồng là cơ hội để vớ bẫm.

Chuyện một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá hàng hóa khiến dư luận bức xúc những ngày qua khiến tôi nhớ đến bộ phim "Thạch Sùng" mình từng xem trên TV. Phim được dựng từ câu chuyện cổ tích quen thuộc với người Việt Nam - sự tích con thạch sùng.

Xem xong phim, cảm xúc mạnh nhất của tôi lúc đó là sự bức xúc. Từ một người ăn xin rách rưới, chỉ bằng cách khôn lỏi đầu cơ, tích trữ lương thực, Thạch Sùng đã nhanh chóng vươn lên thành kẻ đại phú. Nhìn nụ cười, vẻ mặt khoái trá của nhân vật Thạch Sùng lúc chứng kiến bao người dân thiếu đói phải cầu cạnh, chấp nhận mua lương thực với giá cắt cổ của ông ta, thực đáng giận dữ làm sao!

Cho tới đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất ở nước ta, với số ca bệnh tăng mạnh, mọi thứ trở nên căng thẳng và quá tải, người ta lại chứng kiến những “Thạch Sùng mới” xuất hiện, liên quan đến những mảng hàng hóa thiết yếu, quan trọng như lương thực, thực phẩm, thuốc và thực phẩm chức năng.

Ở hệ thống nhà thuốc, người ta thấy thông báo tăng giá "siêu phi mã" của công ty Sao Thái Dương đối với sản phẩm bảo vệ sức khỏe được giới thiệu là tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh do vi khuẩn, virus và giảm triệu chứng bệnh. Người tiêu dùng ngỡ ngàng khi thấy giá hiện tại của viên nang Kovir là 1 triệu đồng/hộp trong khi trước đây chỉ khoảng 245-300 nghìn đồng; giá sản phẩm Nobel tăng cường miễn dịch cũng của công ty này) "nhảy vọt" từ 300 nghìn đồng lên 1,25 triệu đồng.

Mặc dù Sao Thái Dương lý giải rằng sản phẩm giá mới có bổ sung những thành phần dược liệu đắt tiền nhưng điều này không đủ thuyết phục người tiêu dùng, khi giá nhảy vọt gấp 3-4 lần đúng lúc nhu cầu sử dụng tăng mạnh do dịch bệnh. Người xưa nói "qua ruộng dưa đừng cột dây giày, dưới gốc mận đừng sửa mũ", tăng giá "đúng thời điểm" như vậy, thật khó tránh bị nghi ngờ về động cơ. 

Cơ quan quản lý thị trường kiểm tra tại hệ thống bán lẻ Bách Hóa Xanh. (Ảnh: Tin Tức)

Trước đó mấy ngày, hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh cũng gây bức xúc với hàng loạt phản ánh của người tiêu dùng về việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Kết quả kiểm tra ở một số địa phương cho thấy có tình trạng bán cao hơn giá niêm yết hoặc không niêm yết giá, trong lúc bà con vùng dịch đang cực kỳ khó khăn do chợ truyền thống ngừng hoạt động.

Những trường hợp trên, nếu bảo họ đầu cơ thì chưa đúng, nhưng nói "trục lợi" liệu có sai? Hành vi tăng giá vào đúng lúc thị trường cần nhất sản phẩm, hàng hóa của họ nên được hiểu thế nào, khi mà nguồn nhập nguyên liệu đầu vào không có dấu hiệu bị ảnh hưởng quá mức (khiến giá bán tăng vọt)?

Nếu nhìn sâu hơn vào vấn đề, thì dễ thấy rằng, những sản phẩm, hàng hóa của Bách Hóa Xanh, Sao Thái Dương... không phải là "độc nhất" trên thị trường. Nghĩa là nếu khách hàng không mua của họ, người ta vẫn có thể tìm được sản phẩm, hàng hóa khác thay thế, ở chỗ bán khác (dù khó khăn trong cảnh dịch bệnh).

Nhưng tại sao khách hàng vẫn đến hệ thống cửa hàng của họ, chọn mua sản phẩm của họ? Là do sự tin tưởng vào thương hiệu mà những nơi đó đã xây dựng và thể hiện bấy lâu nay! Vậy mà dường như chỉ với cái lợi trước mắt, những doanh nghiệp "ăn xổi" đã vội vã biến mình trở thành "Thạch Sùng", bỏ rơi cái nghĩa mà lẽ ra hơn lúc nào hết, giờ là lúc họ cần trao đầy đủ cho khách hàng.

Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh khác đang thể hiện đúng nghĩa khí ở thời kỳ khó khăn. Họ không chỉ giữ giá, mà thậm chí còn hạ giá, tặng quà... để làm vơi bớt sự mệt mỏi của người dân - khách hàng trong thời cơ cực vì COVID-19. Thời gian qua, có những doanh nghiệp cực kỳ khó khăn, có thể nói là đang lao đao nhưng vẫn đóng góp hàng trăm tỷ đồng, với cả nhiệt huyết và trái tim cho công cuộc chống dịch.

Như tổ tiên chúng ta xưa vẫn nói "lửa thử vàng", phải ở trong những thời kỳ khó khăn, những tình huống nước sôi lửa bỏng mới thấy rõ doanh nghiệp nào làm ăn có tâm, có ý thức vì cộng đồng, đất nước, doanh nghiệp nào thất đức, coi hoạn nạn của người khác, biến cố của cộng đồng là cơ hội để tranh thủ vớ bẫm cho mình.  Đối với những đồng bào đang vật lộn với khó khăn, túng quẫn do dịch bệnh, hành vi đó thật sự tàn nhẫn.

Sau tất cả, tôi tin rằng, tình hình dịch bệnh rồi cũng sẽ hạ nhiệt. Mọi khó khăn rồi sẽ được giải quyết. Qua cơn bĩ cực, mọi người sẽ tự nhìn lại niềm tin mà họ giữ trong lòng bấy lâu. Niềm tin ấy sẽ được bồi đắp thêm đối với những doanh nghiệp tử tế, và đương nhiên sẽ mất đi đáng kể, thậm chí bị hủy hoại hoàn toàn, đối với những doanh nghiệp làm giàu kiểu... Thạch Sùng. 

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Trung Hiếu

Tin mới