Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Loạt sự cố trên thị trường ô tô Việt

(VTC News) -

Trong năm qua, thị trường ô tô Việt Nam không chỉ đón nhận những đợt tăng giảm doanh số thất thường mà còn đối mặt với nhiều vấn đề còn tồn tại.

Những đợt triệu hồi xe năm nào cũng diễn ra và 2020 cũng không phải ngoại lệ. Trong năm vừa qua, hàng chục mẫu xe nằm trong diện triệu hồi với rất nhiều lỗi, từ nhỏ đến nghiêm trọng. Có những mẫu xe bị triệu hồi tới hàng chục ngàn chiếc. 

Hàng chục nghìn xe ô tô bị triệu hồi

Nguyên nhân dẫn đến hàng chục nghìn xe bị triệu hồi ở Việt Nam chủ yếu liên quan đến lỗi bơm nhiên liệu và lỗi túi khí Takata. 

Trong đó, tổng cộng, năm nay có tới sáu đợt triệu hồi của năm hãng xe khác nhau liên quan đến lỗi túi khí Takata tại nước ta và số lượng ôtô cộng dồn nằm trong diện ảnh hưởng lên tới 21.756 chiếc, trong đó thuộc nhiều mẫu xe khác nhau thuộc các thương hiệu: Chevrolet, Mitsubishi, Nissan, Toyota và Mercedes. Thời gian sản xuất xa nhất là Toyota Corolla Altis - từ ngày 2/11/2004 đến 28/4/2005.

Hàng chục nghìn xe ô tô bị triệu hồi trong năm 2020. 

Đối với lỗi bơm nhiên liệu Denso thị trường ghi nhận đợt triệu hồi lớn nhất thị trường đến từ hai hãng xe nổi tiếng Honda và Toyota đặc biệt gây chú ý trong năm vừa qua. Các mẫu xe bị ảnh hưởng trong đợt này gồm cả lắp ráp nội địa và nhập khẩu từ nước ngoài.

Cụ thể, Honda Việt Nam công bố đợt triệu hồi với số lượng xe lên tới 19.219 chiếc, gồm: 5.966 chiếc City 2018 (1.5 Top và 1.5 AT) lắp ráp trong nước, và 15.233 xe nhập khẩu với 1.170 chiếc Jazz 2019, 1.710 chiếc HR-V 2018, 1.620 chiếc Civic 2018, 7.973 chiếc CR-V 2018-2019, và 180 chiếc Accord 2018.

Riêng Toyota số lượng xe phải triệu hồi còn lớn hơn rất nhiều với tổng số lên tới 32.527 chiếc. Tính chung cả các đợt triệu hồi xe sang Lexus, con số triệu hồi của nhà sản xuất này lên tới 33.276 chiếc, cũng gồm cả xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước.

Cụ thể có 29.513 chiếc Camry, Corolla Altis và Innova trong số đó được lắp ra tại nhà máy Vĩnh Phúc cùng với 3.763 xe nhập khẩu bao gồm các mẫu sản xuất ở Nhật thuộc thương hiệu Toyota (Alphard, Land Cruiser 200) và Lexus (GS200t, GS350, GX460, LX570, LS460, LS500/500H, NX200T/300H, RC350/300H, RX350/450H, RX350L/450); đồng thời, còn có Toyota Fortuner sản xuất tại Indonesia.

Xe hot Ford Ranger và Everest bị khách hàng tố rò rỉ dầu

Vào cuối tháng 2 năm nay, có khoảng hơn 400 khách hàng đi Ford Ranger Wildtrak 2.0L Bi-Turbo và Ford Everest phản ánh gặp hiện tượng rò rỉ dầu ở cổ hút turbo và mặt cam động cơ trên xe. Nhiều khách hàng đã được các đại lý của Ford sửa chữa, khắc phục nhưng chưa giải quyết được dứt điểm được lỗi này.

Đây được xem là một trong những vụ việc gây chú ý nhất làng xe Việt trong năm 2020 liên quan đến hai dòng xe bán chạy nhất của Ford tại Việt Nam.

Xe hot Ford Ranger và Everest bị khách hàng tố rò rỉ dầu.

Đến tháng 6/2020, qua quá trình kiểm tra, đánh giá vụ việc, Ford Việt Nam xác định nguyên nhân cũng như đưa ra giải pháp sửa chữa hiện tượng rò rỉ dầu tại nắp che dây đai cam và tại ống két làm mát khí nạp đồng thời gia hạn chính sách bảo hành với các xe Ford bị ảnh hưởng.

Phía hãng khẳng định hiện tượng rò rỉ dầu trên không gây rủi ro an toàn, bao gồm cả nguy cơ cháy cũng như không gây nguy cơ hỏng động cơ hoặc ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ.

Giữa tháng 9/2020, Ford Việt Nam cho biết hơn 6.000 xe Ford gặp hiện tượng rò rỉ dầu tại nắp che dây đai cam và tại ống két làm mát khí nạp đã được kiểm tra, sửa chữa.

Mazda3 lỗi hệ thống phanh tự động khẩn cấp 

Đầu năm 2020, tức chỉ sau vài tháng được Trường Hải (THACO) phân phối ra thị trường, mẫu Mazda3 2020 phiên bản Premium bị một số người dùng phản ánh xe có vấn đề ở hệ thống phanh tự động khẩn cấp, có thể khiến xe bất ngờ dừng lại khi đang vận hành.

Mazda3 gặp nạn khi chạy thử check lỗi hệ thống phanh tự động khẩn cấp.

Đáng chú ý, đến ngày 14/2 video thử phanh thông minh (SBS) của mẫu Mazda3 được đăng tải trên một hội nhóm người dùng xe Mazda tại Việt Nam. Video ngắn ghi lại vụ việc một đại lý Mazda tại Việt Nam thử nghiệm mẫu xe Mazda3 mới để kiểm tra hệ thống phanh khẩn cấp tự động (Smart Braking System - SBS) dẫn đến va chạm với xe Mazda CX-5. Vụ va chạm xảy ra trong khuôn viên đại lý không gây thiệt hại về người nhưng khiến phần đầu xe Mazda3 hư hỏng, biến dạng, bung túi khí.

Liên quan đến vấn đề này, Thaco Mazda cho biết, vấn đề chỉ có trên bản Premium của hai mẫu Mazda3 và Mazda3 Sport (bản hatchback), vì chỉ phiên bản này trang bị SBS. Các phiên bản khác không có hiện tượng trên.

Để đảm bảo an toàn, quyền lợi cho khách hàng, đến cuối tháng 3/2020, THACO đã triển khai chương trình triệu hồi gần 300 xe All-New Mazda3 để cập nhật lại phần mềm điều khiển hệ thống hỗ trợ phanh (SBS).

Hàng chục xe Subaru dính lỗi “cá vàng”

 Thời điểm đầu tháng 7, nhiều người sở hữu xe Subaru Forester đời mới “than phiền” chiếc xe đang di chuyển bình thường thì đột nhiên sáng đèn kiểm tra động cơ check engine trên bảng đồng hồ (đèn “cá vàng”), đồng thời chiếc xe có dấu hiệu hoạt động bất thường.

Hàng chục xe Subaru dính lỗi “cá vàng”.

Thậm chí một số xe liên tục chết máy sau khi đèn báo "check engine" hiện lên hoặc bị vô hiệu hoá nhiều tính năng an toàn, gây phiền hà, hoang mang và ức chế cho các chủ xe.

Sau khi nhận được phản ánh của khách hàng liên quan đến vụ việc này, Công ty TNHH Hình tượng Ô tô Việt Nam (Motor Image Việt Nam) - nhà nhập khẩu, phân phối xe Subaru tại Việt Nam đã báo cáo vụ việc với Tập đoàn Subaru Nhật Bản để điều tra làm rõ.

Ngày 23/7, nhà phân phối của hãng xe Nhật xác định nguyên nhân dẫn đến việc đèn báo lỗi động cơ trên Forester liên tục bật sáng do kim phun nhiên liệu bị nghẹt. Ngay sau đó, hãng đã đưa ra một số giải pháp để xử lý tình trạng trên.

Hyundai Accent bị tố lỗi ở trục lái

Mẫu xe ăn khách nhất của TC Motor là Hyundai Accentcũng gặp sự cố bị khách hàng phản ánh lỗi nghiêm trọng tỏng năm vừa qua. 

Cụ thể, tháng 11/2020, trên một số diễn đàn và hội nhóm, nhiều người sử dụng xe Hyundai Accent phản ánh có hiện tượng hệ thống lái phát ra tiếng kêu khi đánh lái hoặc đi qua đường xóc, gây cảm giác khó chịu khi vận hành xe.

Hyundai Accent bị khách hàng tố lỗi ở trục lái. 

Nhiều người dùng cho biết, mang xe đi bảo hành nhưng không khắc phục triệt để được hiện tượng nói trên. Ngoài ra, một số khách hàng có xe gặp hiện tượng này bị từ chối bảo hành do xe đã bảo dưỡng, sửa chữa ở gara ngoài. Cộng đồng người dùng cũng cho biết hiện tượng này có thể gặp trên cả Grand i10.

Điều đáng nói là khi khách hàng mang xe tới đại lý để yêu cầu bảo hành nhưng một số đại lý không chấp nhận bảo hành do chủ xe không bảo dưỡng định kỳ tại các trung tâm ủy quyền của Hyundai.

Trước cách giải quyết vô trách nhiệm của đại lý, một số chủ xe sử dụng Hyundai Accent đã rủ nhau dán decal lên thân xe như một cách để phản đối và “tìm công bằng” cho người dùng.

Trước động thái này, TC Motor – đơn vị lắp ráp phân phối ô tô Hyundai tại Việt Nam lên tiếng xác định nguyên nhân là do sự sai khác trong cơ cấu trục vít và bánh răng. Đồng thời hãng xe này khẳng định: “Tiếng động phát ra từ cơ cấu lái này không ảnh hưởng tới vận hành hay an toàn của xe”

Xe Suzuki Ertiga bị hụt hơi và thiếu phụ tùng

Trong năm 2020, mẫu xe Suzuki Ertiga cũng “dính phốt” liên tiếp khiến người tiêu dùng Việt không khỏi "ngán ngẩm".

Vụ việc đầu tiên gây chú ý đó là chủ nhân chiếc xe Suzuki Ertiga bị tai nạn tại Cà Mau phản ánh xe “nằm xưởng”“chờ chết” đến gần 9 tháng vì không đủ phụ tùng thay thế, sữa chữa.

Chiếc xe Suzuki Ertiga bị tháo tung chờ linh kiện phụ tùng sửa chữa.

Đến cuối tháng 9/2020 vừa qua, mẫu xe này lại bị gần 30 khách hàng đồng loạt phản ánh tình trạng có tiếng kêu phát ra từ hộp số và xe xuất hiện hiện tượng bị hụt hơi khi tăng ga. 

Ngay sau đó, đích thân Tổng Giám đốc Suzuki Việt Nam lên tiếng giải thích, xin lỗi về vụ việc chậm trễ cung ứng phụ tùng, đồng thời cũng khẳng định, Suzuki Việt Nam sẽ không để xảy ra việc này một lần nữa và đã chuẩn bị đầy đủ tại hai kho ở Đồng Nai và Hà Nội.

Riêng về vấn đề Suzuki Ertiga có hiện tượng hụt hơi khi đạp ga tăng tốc và xuất hiện tiếng ồn của hộp số, tổng Giám đốc Suzuki Việt Nam khẳng định không phải do xe bị lỗi.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới