BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược - cơ sở 3 cho biết, long nhãn là loại quả quen thuộc với người Việt. Để bảo quản trong thời gian dài mà vẫn giữ được vị ngọt ngon của phần thịt quả sau khi tách khỏi vỏ và hạt, người ta đem cùi nhãn sấy khô tạo thành long nhãn.
Long nhãn tùy vào nhiệt độ sấy sẽ có độ mỏng dày không đều nhau. Vẻ ngoài thường mang màu vàng đậm hoặc nâu sẫm. Long nhãn sau sấy khô, không dính tay nhưng dẻo mềm và có vị ngọt, hương thơm nhẹ nhàng rất đặc trưng.
Đối với nhiều người, việc dùng long nhãn để tăng hương vị món ăn, chè, trà thảo dược trở nên vô cùng quen thuộc. Không chỉ được ưa chuộng sử dụng trong đời sống hàng ngày, long nhãn còn chứa rất nhiều dưỡng chất và là một vị thuốc có nguồn gốc từ tự nhiên giúp bảo vệ sức khỏe, chữa trị nhiều bệnh khác nhau.
Long nhãn mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ.
Theo y học hiện đại, cùi nhãn tươi chứa nhiều nước, chất béo, protein, và đường. Khi khô, long nhãn chứa glucose, saccharose, acid tartaric và các chất béo đặc biệt. Hạt nhãn chứa tinh bột, saponin, chất béo, và tanin, tác dụng chữa bỏng và cầm máu. Lá nhãn có quexitrin, quexitin, tanin và một số chất khác, được dùng trong điều trị cảm mạo.
Trong đông y, long nhãn mang tính ôn và ấm, tác dụng vào tâm và tỳ. "So với táo tàu, long nhãn tác dụng chữa bệnh tỳ tốt hơn," BSCKII. Huỳnh Tấn Vũ nói.
Long nhãn vừa bổ khí vừa bổ huyết, hiệu quả trong điều trị chứng mất ngủ do suy nghĩ quá nhiều, lo lắng, và hồi hộp. Hạt nhãn tán thành bột tác dụng cầm máu, giảm đau và chóng lành da. Tuy nhiên, những người bị cảm mạo phong hàn, rối loạn tiêu hóa không nên dùng nhãn. Liều dùng thông thường là 9-10g dưới dạng thuốc sắc hoặc cao lỏng.
Long nhãn có thể sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp cùng một số loại dược liệu, tạo nên những bài thuốc chữa nhiều chứng bệnh khác nhau.
Ngoài là loại quả ngon long nhãn còn có tác dụng chữa bệnh.
Một số bài thuốc từ long nhãn
Chữa chứng do tư lự quá độ, buồn bực không ngủ hay quên: Bài quy tỳ gồm long nhãn, táo nhân (sao), hoàng kỳ (trích), phục thần mỗi vị 4g, gừng 3 lát, táo đỏ một quả, sắc uống nóng.
Khe ngón chân lở ngứa: Hạt nhãn bỏ vỏ đen, thái mỏng, phơi khô, tán nhỏ, rắc vào.
Chữa các triệu chứng kém ăn, mất ngủ, mồ hôi trộm, mệt nhọc: Cao ban long và long nhãn, còn gọi là nhị long ẩm. Dùng cao ban long 40g và long nhãn 50g sắc với nước, đun nóng để hòa tan và uống trước khi đi ngủ tối và sáng sớm mỗi lần 10g.
Tiêu chảy do tỳ hư: Long nhãn khô 40 quả, gừng sống 3 lát, sắc uống.
Phù thũng sau đẻ: Long nhãn khô, gừng, táo tàu, mễ nhân, phục linh mỗi thứ 10g, sắc uống.
Hồi hộp, mất ngủ, hay quên: Cùi nhãn 100g, gạo nếp 120g, nấu cháo ăn.
Thiếu máu, suy nhược cơ thể: Long nhãn 10g, hạt sen 15g, hồng táo 10g, lạc 10g, gạo nếp 30g, nấu cháo ăn sáng và tối.
Suy nhược thần kinh: Long nhãn, nhân táo chua, khiếm thực mỗi thứ 15g, nấu nước uống trước khi đi ngủ.
Nôn, ợ: Long nhãn khô 7 quả, đốt tồn tính, tán thành bột, uống mỗi ngày 3 lần.
Chảy máu do chấn thương: Hạt nhãn tán nhỏ, đắp vào vết thương.
Lưu ý: Các bài thuốc trong đông y thường mang tính chất tham khảo, khi có bệnh bạn nên đến thăm khám ở cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên và hướng dẫn cụ thể, cân nhắc liều lượng thích hợp dựa trên thể trạng từng bệnh nhân.