Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Làm thế nào để 'hòn ngọc Viễn Đông' tiếp tục toả sáng?

(VTC News) -

Phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện để địa phương chủ động nhân sự, tổ chức bộ máy cho phù hợp, tự định đoạt về biên chế để “hòn ngọc Viễn Đông” tiếp tục toả sáng.

Phát biểu trong phiên thảo luận tổ chiều 30/5 thuộc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch  TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh tầm quan trọng của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Theo Chủ tịch TP.HCM, cần thay đổi hệ thống cơ chế, chính sách giúp thành phố tháo gỡ khó khăn vướng mắc và từ đây phát huy tiềm năng của thành phố, để TP.HCM phát triển đúng với vị trí, vai trò, đóng góp vào sự phát triển chung.

Sự phát triển này không chỉ đặt trong bối cảnh Việt Nam, mà đặt thành phố như đầu tàu, đầu mối đại diện Việt Nam trong quá trình hội nhập, cạnh tranh quốc tế. Đây là việc chung của quốc gia trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh quốc tế. Nếu tổ chức thực hiện các nhóm cơ chế, chính sách này thành công thì sẽ cho ta bài học kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật.

Ví dụ, luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư chúng ta có rồi, nhưng nếu thực hiện những cơ chế, chính sách đặc thù của TP.HCM sẽ làm sáng tỏ hơn, hiệu quả hơn. Nội dung này cũng có thể là sự tham khảo rất tốt cho Hà Nội trong việc sửa đổi luật Thủ đô.

"Một số sửa đổi luật dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 6, các Bộ đề nghị TP.HCM thí điểm trước. Tôi cho rằng việc này có ý nghĩa đóng góp cho việc xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật, đối với các luật đang có, đang sửa đổi hoặc những nội dung chắc chắn được luật hóa", ông Phan Văn Mãi cho biết.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi

Chủ tịch TP.HCM cũng nhắc đến các cơ chế, chính sách tập trung khơi thông các nguồn lực, xây dựng và phát huy công cụ dẫn vốn đầu tư.

"Nếu chúng ta làm tốt, tôi tin rằng 5 năm tới TP.HCM sẽ huy động hàng trăm ngàn tỷ đồng", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch TP.HCM đồng tình với quan điểm của một số đại biểu của đoàn về việc phải hướng tới xây dựng luật về đô thị đặc biệt áp dụng cho thành phố. Trong quá trình tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54, thành phố có nghĩ đến điều này. Ông Phan Văn Mãi cho rằng bên cạnh Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, TP.HCM cần nghiên cứu bài bản, khoa học, tính toán xem có cần luật đô thị đặc biệt không.

TP.HCM cần có cơ chế đặc thù

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, TP.HCM vốn được xem là “hòn ngọc Viễn Đông” toả sáng từ những năm trước đây, nay đã bớt chói sáng bởi một số cơ chế, chính sách ràng buộc.

"Tự bản thân TP.HCM và các bộ, ngành cần rà soát lại để có cơ chế phù hợp, thoáng hơn nữa để TP.HCM có thể phát triển tốt hơn", đại biểu Hận nêu ý kiến.

Theo đại biểu Hận, TP.HCM là đầu tàu kinh tế, nếu tốt mới kéo được các toa tàu đi nhanh, đi xa hơn. "Như Thượng Hải có nhiều cơ chế để phát triển vượt bậc so với các cơ chế khác", đại biểu Hận nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Ảnh: Báo Nhân dân).

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho biết, chúng ta mong muốn TP.HCM làm đầu tàu thì phải có cơ chế thu hút nhân tài và để nhân tài phát huy được khả năng của mình.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng: “Chúng ta trọng dụng nhân tài thì phải sử dụng đúng vị trí tuyển dụng. Đừng vì nể nang mà bố trí vị trí cao hơn, sắp xếp không đúng chuyên môn, không phù hợp với khả năng để nhân tài không phát huy được năng lực chuyên môn. Việc sắp xếp, bố trí không đúng vị trí, công việc có thể “giết chết” nhân tài ”, đại biểu Hồi nói.

Cũng đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) tán thành các đề nghị của Chính phủ.

Theo đại biểu Vân, TP.HCM cần có cơ chế đặc thù, thực chất là cá biệt hóa các quy định của pháp luật để tạo ra năng lực pháp lý riêng cho các chủ thể có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau.

“Tôi cho rằng, trong thời gian TP.HCM thực hiện Nghị quyết thì Chính phủ nên phân các địa phương ra thành các nhóm về quy mô dân số, văn hóa, cơ sở hạ tầng, giao thông… 63 tỉnh thành có thể phân ra thành 5 nhóm có điều kiện tương đồng để có nhóm pháp lý tương thích”, đại biểu Vân nói.

Về tổ chức bộ máy, đại biểu Vân cho rằng, nên trao cho họ quyền tích cực hơn nhưng nếu bộ máy, nhân sự không tương xứng thì ba nhóm cơ chế về đầu tư, tài chính, đất đai không thực hiện được. Cùng với đó, nên trao cho TP.HCM quyền tự tổ chức bộ máy theo nhiệm vụ, chức năng trên cơ sở TP.HCM xác định. Các sở, ban ngành chuyên chính, nội chính có thể giữ nguyên, các sở khác nên trao cho TP.HCM tự tổ chức, linh hoạt biên chế để họ tạo ra được bộ máy vận hành phù hợp.

“Quyền quản lý nhân sự cũng nên được trao cho TP HCM, họ có thể được phân công cao hơn, chẳng hạn như cấp thường vụ thì nên cho TP.HCM tự quyết định và chịu trách nhiệm trước Trung ương, trước pháp luật. TP.HCM cũng nên được quyền ban hành các quy định vượt trội, khác luật để họ năng động, tự chủ thu hút nhân tài, nhất là về nhân sự khoa học công nghệ”, đại biểu Vân nói.

Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành hình mẫu đổi mới, sáng tạo về ứng dụng khoa học công nghệ (Ảnh: Baochinhphu.vn).

Đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho rằng, TP.HCM là một địa phương rất đặc biệt, cán bộ, người dân, doanh nghiệp vốn được đánh giá là luôn năng động, dám nghĩ, dám làm và đi đầu trong đổi mới. Bên cạnh đó, hiện nay đã có Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đang tạo động lực dám nghĩ, dám làm cho hệ thống chính trị.

“Có thể thấy, chính lực lượng cán bộ dám nghĩ, dám làm sẽ tạo động lực để đổi mới, tạo sự nhảy vọt về phát triển cho các địa phương. Do vậy, chúng ta rất cần có một nơi thực sự năng động, có năng lực để triển khai chủ trương này của Đảng; Đồng thời cần một khuôn khổ pháp lý để thành phố phát huy tối đa được tinh thần dám nghĩ, dám làm”, đại biểu Hiếu nói. 

Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, bên cạnh nội dung và giải pháp đã được xây dựng, cần chú trọng đến tốc độ triển khai Nghị quyết. Cách làm và xây dựng nghị quyết phải khác đi, thậm chí phải chi tiết, cụ thể hơn để giảm thiểu tối đa các văn bản hướng dẫn; đẩy nhanh quá trình tổ chức triển khai, đưa Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Ngoài ra, nghị quyết cần chú ý tới nguyên tắc “trọng tâm và trọng điểm”. Như vậy, nguồn lực và cơ chế cũng phải tập trung để giải quyết những vấn đề cấp bách, quan trọng, giúp thúc đẩy phát triển thành phố, không nên quá dàn trải. Các giải pháp phải hướng đến những “địa chỉ” cụ thể, tránh nêu chung chung, chẳng hạn như xác định rõ sẽ tập trung cho khu vực nào, công trình nào, thời gian dự kiến bao lâu, quy mô nguồn lực là bao nhiêu.

PHẠM DUY

Tin mới