Cuộc thi nằm trong chuỗi sự kiện Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2018 (WHISE 2018) do Sở KHCN TP.HCM tổ chức.
Hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information Systems) được định nghĩa như là một hệ thống thông tin mà nó sử dụng dữ liệu đầu vào, các thao tác phân tích, cơ sở dữ liệu đầu ra liên quan về mặt địa lý không gian (Geographically of geospatial) nhằm trợ giúp việc thu nhận, lưu trữ, quản lý, xử lý, phân tích và hiển thị các thông tin không gian từ thế giới thực.
Từ đó, giải quyết các vấn đề tổng hợp thông tin cho các mục đích của con người đặt ra, chẳng hạn như: để hỗ trợ việc ra quyết định cho việc quy hoạch (Planning) và quản lý (Management) sử dụng đất (Land use), tài nguyên thiên nhiên (Natural resources), môi trường (Environment), giao thông (Transpostatinon), dễ dàng cho việc quy hoạch phát triển đô thị và những việc lưu trữ dữ liệu hành chính.
Cuộc thi nhằm tìm kiếm các giải pháp, sản phẩm GIS và các công nghệ liên quan để giải quyết các vấn đề thực tiễn của TP.HCM; xây dựng Thành phố thành đô thị thông minh, sáng tạo; giải quyết các bài toán trong các chương trình đột phá của Thành phố.
Tổng giá trị giải thưởng cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp - sản phẩm GIS Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018” lên tới 200 triệu đồng (Ảnh: hcmgis.vn)
Cuộc thi gồm 2 nội dung:
+ Các giải pháp ứng dụng các nền tảng HCMGIS (do Trung tâm Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý phát triển và hoàn thiện, bao gồm HCMGIS Portal, HCMGIS Maps, HCMGIS GeoSurvey, HCMGIS GeoReference, HCMGIS OpenData, HCMGIS StoryMaps) để giải quyết các bài toán thực tiễn trong các lĩnh vực hạ tầng đô thị, kinh tế - văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, du lịch, an ninh quốc phòng…
+ Các giải pháp, sản phẩm GIS sáng tạo để giải quyết các vấn đề thực tiễn của Thành phố, xây dựng Thành phố thành đô thị thông minh; giải quyết các bài toán trong các chương trình đột phá của Thành phố.
Theo đó, ở mỗi nội dung đều sẽ có các giải thưởng tương đương, được đánh giá dựa trên tính mới, tính sáng tạo (30 điểm), tính khả thi (25 điểm), tính hiệu quả (25 điểm) và tác động xã hội (20 điểm).
Đối tượng dự thi có thể là doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; giảng viên, sinh viên, học sinh, thanh thiếu niên; các trường đại học, viện nghiên cứu; hoặc các tổ chức, cá nhân khác.
Ngoài giải thưởng là Giấy công nhận, Cúp lưu niệm của Ban tổ chức và tiền thưởng, những sản phẩm, giải pháp đạt giải còn có cơ hội được xét chọn đầu tư hoàn thiện với số tiền đầu tư lên tới 2 tỷ đồng/sản phẩm, giải pháp.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ dự thi từ nay đến hết ngày 15/12/2018.