Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã tăng mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên mức khá cao, nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của khách hàng.
Cụ thể, kể từ đầu tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động VND nhiều ngày gần đây liên tục xuất hiện các mức lãi suất trên 8%, thậm chí tới 8,5%/năm được các ngân hàng trả cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Điển hình, trên biểu lãi suất mới cập nhật, ABBank đã tăng lãi suất tiền gửi lên 8,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân.
Ngân hàng Nhà nước cảnh cáo cuộc đua lãi suất của các ngân hàng. (Ảnh minh họa)
Theo đó, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6 tháng lên tới 7,5%/năm và 12 tháng là 8,5%/năm, tăng lần lượt 0,7%/năm và 0,8%/năm so với mức trước đó. Với mức lãi suất mới, sản phẩm gửi tiết kiệm tại ABBank được xem là cạnh tranh nhất trên thị trường tiền gửi hiện nay dành cho khách hàng cá nhân.
Trong khi đó, VIB đưa ra chính sách ngày vàng hút tiền khi đẩy lãi suất lên đến đỉnh 9,1%, áp dụng từ ngày 20-24/8, gửi kỳ hạn càng dài lãi càng lớn. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng có lãi suất là 8,1%/năm, 12 tháng là 8,3%/năm, 18 tháng là 8,6%/năm và 61 tháng là 9,1%/năm (kỳ hạn 61 tháng được phát hành dưới dạng chứng chỉ tiền gửi).
Tương tự, kể từ ngày 22/8, VPBank áp dụng biểu lãi suất mới. Tại kỳ hạn 6 tháng, nếu khách hàng gửi dưới 300 triệu đồng có lãi suất 7,4%/ năm, từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng là 7,7%/ năm, 1 tỷ đồng trở lên là 7,9 – 8%/năm. Nếu gửi từ 18 tháng trở lên, tùy từng khoản tiền mà lãi suất dao động từ 7,6 – 8,2%/năm. Các mức lãi suất này cao hơn so với trước đó 0,2 – 0,4 điểm phần trăm.
Trước cuộc chạy đua lãi suất này, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã phát đi công văn số 6669/NHNN-CSTT về việc lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng.
Theo cơ quan này, thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng các tổ chức tín dụng, chi ngánh ngân hàng nước ngoài đã điểu chỉnh lãi suất tiền gửi bằng VND nhanh và khá lớn ở một số kỳ hạn hoặc triển khai các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao.
“Động thái tăng lãi suất này làm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ”, công văn cảnh báo.
Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các tổ chức tín dụng và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước, trong đó gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức ngân hàng vi phạm.