Xung kích đi đầu
Là một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân 2019, kỹ sư Nguyễn Tiến Hưng (SN 1984), nhân viên Kỹ thuật Xí nghiệp II, Nhà máy Z121, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng chia sẻ phương châm cống hiến của anh là “Bám sát sản xuất, không ngừng học tập, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và không sợ thất bại trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật”.
Kỹ sư Nguyễn Tiến Hưng (trái) kiểm tra thiết bị sản xuất sản phẩm quốc phòng tại Nhà máy Z121.
Nguyễn Tiến Hưng cho biết, anh đảm nhiệm nhiều vai trò, nhiệm vụ như phụ trách công tác cơ điện của Xí nghiệp II, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất về kỹ thuật, công nghệ và thiết bị đáp ứng kế hoạch tổ chức sản xuất hàng quốc phòng kinh tế của đơn vị; là Đội trưởng Đội khoa học kỹ thuật (KHKT) trẻ của xí nghiệp với nhiệm vụ xung kích vào các khâu khó trên các dây chuyền sản xuất, kịp thời đề xuất các giải pháp sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trong quá trình sản xuất, cải thiện môi trường làm việc, giảm công sức cho người lao động, tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Là Bí thư Chi đoàn Ban Kỹ thuật nghiệp vụ, anh thể hiện vai trò thủ lĩnh thanh niên trong việc luôn xung kích đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ KHKT và các đề tài Cơ khí hóa - Tự động hóa của đơn vị.
Là cán bộ Đoàn, Nguyễn Tiến Hưng luôn đi đầu, gương mẫu trong các hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ đơn vị.
Từ năm 2015 đến nay, anh chủ trì thực hiện 4 công trình, 32 giải pháp sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tham gia thực hiện 14 công trình, giải pháp sáng kiến với tổng giá trị làm lợi khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm, góp phần đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trong quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng kế hoạch sản xuất các sản phẩm quốc phòng. Hiện anh có 2 sáng kiến đã đăng ký tham gia Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) và Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội năm 2019…
“Tôi phấn đấu có thêm thật nhiều công trình, sáng kiến cải tiến kỹ thuật với mục tiêu đưa các thiết bị tự động hóa vào thay thế cho lao động thủ công nhằm giảm nguy cơ mất an toàn, đồng thời tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Tôi đặt quyết tâm mỗi năm có ít nhất một công trình Cơ khí hóa - Tự động hóa tham gia Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội”, Nguyễn Tiến Hưng nói.
Nâng cấp “trái tim vũ khí”
Nói về công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị đẩy đệm giấy nhằm nâng cao năng lực sản xuất hạt lửa SK” đạt Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội năm 2017, Hưng cho biết đây là một trong những công nghệ chế tạo hạt lửa hiện đại nhất hiện nay, lần đầu tiên được nghiên cứu và chế tạo thành công tại Z121 trên thiết bị mới chế tạo.
Theo Nguyễn Tiến Hưng, hạt lửa dùng trong đạn bộ binh, đạn pháo, đạn cối là sản phẩm khó và có hàm lượng kỹ thuật cao. Vì vậy đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, các chỉ tiêu kỹ thuật được kiểm tra rất chặt chẽ, đồng thời phải nhồi nén thuốc hạt lửa nổ có độ nhạy rất cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm nên vấn đề an toàn, chất lượng được ưu tiên đặt lên hàng đầu.
Để giải bài toán này, sau một thời gian tìm hiểu các tài liệu khoa học cùng tiêu chuẩn sản phẩm do các nước tiên tiến sản xuất, kết hợp với các sản phẩm mẫu nhập khẩu từ Bỉ, Nga, Trung Quốc…, Đội KHKT trẻ của Hưng nghiên cứu công nghệ và khả năng sử dụng các loại vật tư, bán thành phẩm phù hợp sẵn có ở Việt Nam hoàn thiện tài liệu, tiến tới thiết kế thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất các loại hạt lửa SK.
4 năm liền (2016-2019), Nguyễn Tiến Hưng là Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2019, anh là Chiến sĩ thi đua toàn quân.
Tính sáng tạo của đề tài này là nhóm tác giả nghiên cứu trên dây chuyền công nghệ sản xuất hạt lửa nhà 219B hiện có của nhà máy, kết hợp với những cải tiến mang tính chất đột phá về dụng cụ và thiết bị, để sản xuất thành công hạt lửa đạn súng mà không cần đầu tư mua sắm bổ sung các dụng cụ, trang thiết bị công nghệ mới.
Đồng thời nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị cắt đệm giấy và thiết bị đẩy đệm giấy; cùng với đó là sắp xếp hợp lý, thay đổi công nghệ sản xuất các loại hạt lửa đạn súng, đảm bảo thao tác đơn giản, an toàn cho quá trình sản xuất khi có sự cố nổ xảy ra và nâng cao năng suất lao động…
“Lợi ích mà công trình nghiên cứu mang lại thì có nhiều, nhưng nổi bật nhất là công năng của dây chuyền sản xuất hạt lửa SK hiện có của nhà máy được nâng cao mà không ảnh hưởng các tính năng hiện có, việc chuyển đổi chủng loại sản phẩm trên cùng một thiết bị sản xuất dễ dàng và nhanh gọn. Giá thành so với của nước ngoài được giảm bớt nhưng vẫn đảm bảo các tính năng của sản phẩm. Về mặt kinh tế, năng suất tăng 3,55 lần so với công nghệ cũ, làm lợi trung bình hàng năm hơn 2,6 tỷ đồng…”, Nguyễn Tiến Hưng cho biết.
Từ hiệu quả của công trình trên, Nguyễn Tiến Hưng và cộng sự tiếp tục giới thiệu công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị tháo các loại hạt lửa sử dụng khí nén và bố trí lại các bước công nghệ, nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao năng lực sản xuất hàng quốc phòng” tham gia Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội năm 2019. Qua gần 3 tháng miệt mài nghiên cứu và thiết kế, nhóm tác giả đã nghiên cứu thành công thiết bị tháo hạt lửa trên máy và thay đổi công nghệ chế tạo hạt lửa với những tính năng ưu việt, hiện đại hàng đầu Việt Nam.