Tuần của “ghép tạng”
Chiều nay 19/8, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trong 6 ngày nhờ sự giúp đỡ, phối hợp của Trung tâm Điều phối - Ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy, Hãng hàng không Vietnam Airlines, đơn vị thực hiện 10 ca mổ ghép tạng từ người cho chết não (phổi, 2 tim, 3 gan, 4 thận) với nguồn hiến đa tạng từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (2 ca) và Bệnh viện Chợ Rẫy (1 ca).
Cũng trong thời gian này, bệnh viện cũng thực hiện 5 ca ghép tạng theo chương trình từ người cho sống (1 gan, 4 thận).
Như vậy, 6 ngày có tới 15 ca ghép tạng được thực hiện. Đây được coi là một kỷ lục trong ngành y khoa Việt Nam.
Chỉ trong 6 ngày, chuyên gia, y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện 15 ca ghép tạng cứu người.
Chia sẻ về sự kiện này, GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng, thành công trên thể hiện sự nỗ lực của các thầy thuốc về tất cả các lĩnh vực: gây mê hồi sức, cấy ghép, phẫu thuật, miễn dịch… vì tính mạng và sức khỏe của người bệnh.
“Chưa khi nào chỉ 1 tuần mà bệnh viện thực hiện liên tiếp 15 ca ghép tạng bao gồm cả ghép tạng từ người cho đã chết não và ghép tạng từ người cho còn sống. Tuần vừa qua có 2 người cho chết não được nhân thân hiến tặng cho bệnh viện để cứu sống nhiều sinh mạng", giáo sư Giang nói và hy vọng thời gian tới có thêm nhiều bệnh nhân nhờ nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng sẽ được cứu sống.
Bác sĩ ngủ luôn trong phòng mổ
GS.TS Trần Bình Giang thông tin, ngày 12/8 vừa qua, tức là sau đúng 8 tháng kể từ khi bệnh viện thực hiện ca ghép phổi lịch sử đầu tiên thì tới nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp tục thành công ca ghép hai phổi thứ 2 từ người cho đa tạng chết não.
Cụ thể, người hiến tạng đang ở đuội tuổi còn khá trẻ, các tạng hiến đều có chất lượng tốt. Người nhận phổi là ông N.V.K., 38 tuổi, mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối - có chỉ định ghép phổi tuyệt đối. Bệnh khởi phát khi bệnh nhân còn nhỏ, 10 năm nay diễn biến nặng khiến ông gần đây liên tục phải nằm viện với máy thở và oxy hỗ trợ.
sức khỏe bệnh nhân sau khép tạng tiến triển rất khả quan.
Ngày 12/8, ca mổ lấy - ghép hai phổi diễn ra gần 15 tiếng đồng hồ, từ 4 giờ chiều cùng ngày cho tới 6h30 ngày hôm sau. Ca mổ thành công trong niềm vui, hạnh phúc vỡ òa của cả người nhà bệnh nhân và đội ngũ, kíp mổ.
Ghép hai phổi từ người cho chết não được xếp vào loại khó và phức tạp nhất về kỹ thuật mổ trong các loại ghép tạng.
Bệnh nhân sau mổ 6 giờ đã tỉnh, phổi ghép hoạt động tốt. Đường mở ngực được đóng lại sau ghép 30 giờ, máy hỗ trợ phổi (ECMO) được dừng và rút sau mổ hơn 2 ngày.
Kết quả kiểm tra chất lượng phổi ghép bằng xét nghiệm khí máu, soi phế quản, siêu âm mạch phổi, cấy vi trùng đường thở, đều cho kết quả tốt. Chức năng tim và thận của bệnh nhân đều trong giới hạn bình thường. Các bác sĩ hy vọng có thể tự thở hoàn toàn trong một vài ngày tới.
Ngoài ca ghép phổi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng lần đầu tiên lấy và ghép cùng lúc 6 tạng cho 5 bệnh nhân gồm: 2 phổi, 1 tim, 1 gan, 2 thận (cho 2 bệnh nhân). Như vậy có 6 bàn mổ ghép tạng cùng lúc (1 lấy, 5 ghép). Đây là kỷ lục mà chưa bệnh viện nào của Việt Nam làm được.
Theo các chuyên gia, 6 ngày ghép 15 tạng cho các bệnh nhân thể hiện hiệu quả rõ rệt của công tác tuyên truyền, vận động hiến tạng của các cơ quan, đoàn thể trên mọi miền đất nước.
Sau những thành công trên là sự hy sinh thầm lặng cả về tinh thần và sức khỏe của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện.
"Cùng lúc triển khai 6 bàn mổ, làm việc liên tục xuyên ngày đêm như ca ghép phổi kéo dài 15 giờ căng thẳng, có thời điểm hôm trước ghép xong hôm sau lại tiếp nhận thông tin cần ghép, các y bác sĩ gần như phải hoạt động hết công suất. Có người phải nằm bất cứ chỗ nào để nghỉ ngơi, tranh thủ chợp mắt”, GS Giang chia sẻ.
Video: Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thức xuyên đêm phẫu thuật ghép tạng cho bệnh nhân.