Người phụ nữ 66 tuổi, ở Bắc Ninh, mới đây đã trải qua một cuộc phẫu thuật tại Bệnh viện E, sau 13 năm gặp phải vấn đề ở đường tiết niệu.
Khai thác thông tin được biết, từ năm 2009, bệnh nhân phát hiện mỗi lần đi tiểu thì nước tiểu có màu trắng như sữa, có lúc có màu hồng đỏ như lẫn máu. Sau khi đi khám tại địa phương, các bác sĩ chẩn đoán bà bị viêm đường tiết niệu và được điều trị bằng kháng sinh.
Tại bệnh viện E Trung ương, nữ bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật để điều trị. (Ảnh: BVCC)
Tình trạng bệnh không thuyên giảm, bệnh nhân tiếp tục đi khám tại hai bệnh viện lớn ở Hà Nội, được chẩn đoán bị đái ra dưỡng chấp (một loại dưỡng chất trong cơ thể). Bệnh nhân được điều trị kháng sinh và bơm nitrat bạc rồi cho về.
Sau một thời gian, bệnh lại tái phát, có lần nước tiểu như nước vo gạo, khi thì thành sợ dài, để lâu đặc lại như mỡ, thậm chí có những lần đi tiểu ra những viên như thạch.
Gần đây, sau khi đến khám tại Bệnh viện E Trung ương, các bác sĩ khẳng định bệnh nhân bị đái ra dưỡng chấp, được chỉ định phẫu thuật để điều trị. Các bác sĩ của bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật nội soi, bóc toàn bộ bạch mạch (mạch bạch huyết) cho người bệnh.
Hiện sau mổ 1 tuần, bệnh nhân ổn định và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
TS.BS. Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học - Bệnh viện E cho biết, trước đây bệnh đái dưỡng chấp khá thường gặp, hiện nay ít hơn. Nguyên nhân gây bệnh là do giun chỉ hoặc có thể do tai nạn, chấn thương… khiến dò dưỡng chấp.
Bình thường dưỡng chấp chỉ nằm trong hệ bạch huyết, thành phần chủ yếu là triglycerid, phospho lipid, cholesterol tự do. Sở dĩ có dưỡng chấp trong nước tiểu là do có lỗ rò (chủ yếu do giun chỉ) từ hệ thống bạch huyết thông sang hệ thống tiết niệu.
Bệnh thường không có biểu hiện gì hoặc có thể sốt nhẹ nếu có nhiễm khuẩn. Biểu hiện đầu tiên là nước tiểu đục như sữa. Đái dưỡng chấp thường xuất hiện từng đợt, có thể tự ổn định. Bệnh nhân đái dưỡng chấp có thể trạng gầy tùy theo mức độ đái ra dưỡng chấp nhưng vẫn sinh hoạt bình thường, không gặp tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu như không đái dắt, không đái buốt, không đau quặn thận.
Để phòng bệnh, mọi người cần phải ăn uống vệ sinh, đặc biệt là ngủ mắc màn vì giun chỉ lây qua muỗi đốt. Ngoài ra, cần phải tẩy giun định kỳ theo khuyến cáo. Khi có bất thường về màu sắc nước tiểu cần phải đến ngay bệnh viện để được thăm khám kịp thời.