Tại buổi thông tin về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em 5-11 tuổi sáng 13/4, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, qua khảo sát khoảng 60-80% người đồng ý tiêm; khoảng 30% chưa đồng ý.
Đến nay cả nước có khoảng 11,8 triệu trẻ độ tuổi 5-11. Trong đó khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19 và khoảng 3,6 trẻ mắc COVID-19. Những trẻ từng mắc COVID-19 sẽ phải trì hoãn tiêm 3 tháng trước. Bộ Y tế dự kiến trong quý 2 sẽ hoàn tất công tác tiêm chủng cho trẻ em 5-11 tuổi.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). (Ảnh: Trần Minh)
Nhận định tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra hai kịch bản về đại dịch COVID-19 có thể xảy ra.
Kịch bản đầu tiên biến chủng Omicron sẽ dần giảm độc lực, kết hợp miễn dịch từ tiêm vaccine và người mắc bệnh, số ca tử vong và bệnh nặng sẽ giảm. Nếu tình huống này xảy ra, Việt Nam sẽ chuyển sang trạng thái bình thường mới, các hoạt động xã hội dần trở về bình thường, qua đó đưa COVID-19 trở thành bệnh lưu hành. Ngành y tế sẽ tập trung vào nhóm nguy cơ cao như người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh nền hay người cao tuổi...
Ở kịch bản thứ 2, khi hiểu biết về virus SARS-CoV-2 chưa toàn diện, khả năng xuất hiện các biến thể mới có thể xảy ra. Trong khi chủng mới có thể làm giảm hiệu lực bảo vệ của vaccine khiến dịch lây lan mạnh và tăng nguy cơ chuyển nặng khi mắc bệnh. Với kịch bản này, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp chống dịch cấp bách như từng làm trước đây.
“Như vậy, chúng ta sẽ phải xây dựng, chuẩn bị sẵn cho cho cả 2 kịch bản đó là coi COVID-19 là bệnh lưu hành và sẵn sàn triển khai các biện pháp dự phòng, không để bị động nếu xuất hiện tình huống mới, chủng virus mới”, GS Lân nói.