Khuyến khích học trực tuyến
Để phòng tránh lây lan dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona trong trường học, nhiều địa phương chọn giải pháp tạm thời cho học sinh nghỉ học. Quyết định này nhận được sự đồng thuận của phụ huynh.
Cùng với việc phòng dịch, nhiều trường cho học sinh chuyển sang hình thức học online. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đây là việc làm thể hiện sự chủ động của các trường trong việc hướng dẫn học sinh tự học.
Bộ đề nghị các địa phương, nhà trường chủ động, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học bù và hướng dẫn việc ôn tập cho học sinh phù hợp điều kiện thực tiễn.
Các trường bảo đảm quy định thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thống nhất cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.
Học sinh học trực tuyến tại nhà trong những ngày tạm nghỉ do virus corona gây ra.
Một số biện pháp linh hoạt các trường chủ động hướng dẫn học sinh tự học ở nhà thông qua nhiều hình thức khác nhau như tin nhắn, email, group của lớp, trang web của trường hoặc sổ liên lạc điện tử…
Ngoài hình thức trên, Bộ khuyến khích các trường có điều kiện tổ chức cho học tập qua mạng để giáo viên, học sinh có môi trường tương tác trực tiếp trong quá trình học tập, thảo luận với nhau; chấm bài, chữa bài cho học sinh.
"Trên thực tế, nhiều trường sử dụng hình thức này để tổ chức các hoạt động học tập, luyện tập, vận dụng kiến thức cho học sinh thực hiện ngoài giờ học trên lớp. Đây là những giải pháp được Bộ khuyến khích sử dụng để ứng phó với dịch bệnh và duy trì việc dạy học”, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành nói.
Để việc học tập bằng hình thức online đạt được hiệu quả, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng lưu ý rất cần sự đồng hành của phụ huynh và chủ động của học sinh. Với sự hỗ trợ của cha mẹ và hướng dẫn từ xa của giáo viên, học sinh có thể lập kế hoạch tự học cá nhân, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp để phòng bệnh trong thời gian học tập tại nhà.
Kết quả được công nhận như học tại lớp
Một số trường phổ thông đang thực hiện rất tốt việc dạy trực tuyến cho học sinh những ngày tạm nghỉ, tránh virus corana lây nhiễm. Theo bà Nguyễn Thu Anh, hiệu trưởng trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), trường tổ chức dạy online theo các khung giờ quy định như thời khóa biểu bình thường để duy trì thói quen học cho các em.
Viện triển khai dạy học online khá bất ngờ nên các thầy cô phải làm việc với năng suất gấp hai, ba lần so với giảng dạy trực tiếp. Việc không có học sinh để tương tác khi giảng bài cũng rất khó điều chỉnh tiến độ bài giảng.
Do đó, các thầy cô trong tổ chuyên môn luôn phải ngồi lại cùng làm việc, đưa ra phương án dạy thế nào, hệ thống bài tập và đề kiểm tra đánh giá cho học sinh sau mỗi bài tập. Mục đích nhằm khảo sát xem học sinh có hiểu bài, bắt kịp được tiến độ giảng của môn học hay không. Các thầy cô sẽ lấy đó làm căn cứ để tiếp tục việc dạy các bài sau cho thật tốt.
Cùng với đó, vị hiệu trưởng này cho rằng, trong quá trình các thầy cô thiết kế giờ học online cũng cần thiết kế hệ thống bài tập đi kèm với giờ học để nắm được hiệu quả việc dạy và học của học sinh. Sau mỗi bài kiểm tra, các em sẽ biết mình đang nắm được bao nhiêu đơn vị kiến thức và phụ huynh cũng biết được tiến độ học của con mỗi ngày.
“Tất cả các điểm kiểm tra trong thời gian học online này đều được công nhận như kết quả học trên lớp. Bởi các em làm việc độc lập, kiến thức kiểm tra lấy chương trình làm chuẩn, thoát ly được sách giáo khoa, nên sẽ hạn chế được việc sao chép, tham khảo từ sách vở”, bà Thu Anh nhấn mạnh.
Đồng thời, ngoài việc tương tác trực tiếp trên các phần mềm điện tử, học sinh có thể gửi bài tập qua email, giáo viên căn cứ vào giờ gửi bài tập để chấm điểm bài thi một cách nghiêm túc như học trên lớp.
Nghỉ nhưng vẫn đảm bảo tiến độ năm học
Theo TS Nguyễn Xuân Thành, việc cho học sinh tạm nghỉ học thời gian này giúp nâng cao nhận thức cho giáo viên và học sinh, hướng dẫn học sinh các biện pháp phòng tránh. Đồng thời các trường có thời gian tổ chức vệ sinh trường lớp, có sự đầu tư, quan tâm cho công tác phòng dịch.
Cùng với đó, TS Thành cho biết, trong khung thời gian năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT, quỹ thời gian dự phòng trong năm học cũng đã tính đến tình huống học sinh phải nghỉ học do thiên tai, bệnh dịch, thời tiết khắc nghiệt.
Dựa trên khung thời gian này, các trường có thể xây dựng lịch học bù đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục như quy định ở các cấp học, học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng để hoàn thành các yêu cầu đánh giá quá trình và cuối cấp như quy định tại khung thời gian năm học.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang cân nhắc cho học sinh tiếp tục nghỉ học thêm 1-2 tuần, chờ hình dịch bệnh được kiểm soát. Việc này ít nhiều khiến các trường gặp khó trong việc đảm bảo tiến độ, kế hoạch học tập và giảng dạy.
Giáo viên các trường thực hiện bài giảng điện tử, bài giảng trực tuyến. (Ảnh minh họa)
Giải đáp băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định, trong kế hoạch năm học, mỗi kỳ Bộ đều dành 1 tuần để học sinh có thể học bù. Học sinh học sáng có thể học bù buổi chiều hoặc thứ 7, chủ nhật.
“Trong trường hợp phải kéo dài thời gian học sinh tạm nghỉ học thì khung thời gian năm học có thể kéo dài hơn, sau 31/5. Kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 6 hàng năm có thể điều chỉnh lịch thi để phù hợp với tình hình mới.
Việc có kéo dài thời gian nghỉ tránh dịch do virus Corona hay không sẽ do các địa phương quyết định, căn cứ vào tình hình thực tế và khuyến cáo của tổ chức y tế” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thông tin.