Mỗi năm, các quốc gia tham gia Quy định Y tế quốc tế (IHR) được yêu cầu gửi cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo tự đánh giá về khả năng sẵn sàng đối phó với tình trạng sức khỏe khẩn cấp.
Italia thực hiện báo cáo tự đánh giá cuối cùng vào ngày 4/2/2020. Trong phần C8 của báo cáo mà Guardian tiếp cận được, Italia được đánh giá ở mức 5 - mức sẵn sàng cao nhất.
Ngoài ra, ở hạng mục này, báo cáo khẳng định "cơ chế điều phối ứng phó khẩn cấp của ngành y tế và hệ thống quản lý sự cố liên kết với trung tâm điều hành khẩn cấp quốc gia đã được thử nghiệm và cập nhật thường xuyên”.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân vào bệnh viện Columbus COVID 2 tại Rome, Italia. (Ảnh: AP)
Tuy nhiên, theo Guardian, kế hoạch phòng chống đại dịch của Italy không được cập nhật từ năm 2006.
Tờ báo Anh khẳng định đây có thể là nguyên nhân góp phần gây ra cái chết của gần 10.000 người trong đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên ở Italia. Nó cũng được xem là yếu tố quan trọng trong cuộc điều tra về sai lầm của chính quyền trong ứng phó với dịch bệnh.
Guardian cho biết, bản báo cáo tự đánh giá được trao cho các công tố viên như bằng chứng bổ sung cho vụ kiện dân sự mà thân nhân các nạn nhân mắc chết vì COVID-19 đệ trình hồi cuối tháng 12/2020. Khoảng 500 người thân của các bệnh nhân muốn khởi kiện một số quan chức, gồm cựu Thủ tướng Italy Giuseppe Conte với cáo buộc không hành động nhanh chóng và không có kế hoạch sẵn sàng để ứng phó với nguy cơ đại dịch.
Ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Italia được ghi nhận hôm 21/2 tại thị trấn Codogno thuộc vùng Lombardy. Hai ngày sau đó, một đợt bùng phát được ghi nhận tại một bệnh viện ở thị trấn Alzano Lombardo thuộc tỉnh Bergamo.
Khác với Codogno lập tức bị phong tỏa cùng chín thị trấn khác, bệnh viện ở Alzano Lombardo sớm được mở cửa trở lại dù nằm giữa tâm dịch.
Hồi tháng 6, các công tố viên thẩm vấn ông Conte cùng một số quan chức khác. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10/2020, cựu Thủ tướng Italia khẳng định ông sẵn sàng hợp tác nếu tiếp tục bị triệu tập để thẩm vấn nhưng nhấn mạnh đã làm mọi cách để đối với một tình huống khó khăn.
Italia - quốc gia châu Âu đầu tiên ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 hiện ghi nhận hơn 2,8 triệu ca bệnh và gần 96.000 người chết vì dịch.
Consuelo Locati, luật sư đại diện cho các gia đình đệ đơn kiện chính quyền cho rằng kế hoạch chống đại dịch của Italia không chỉ lỗi thời nghiêm trọng. Nó thậm chí còn chưa từng được thử nghiệm để xem có hiệu quả hay không.