Chính sách đặc biệt cho cuộc di dân lịch sử
Mới đây, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức buổi khảo sát thực địa khu vực giải tỏa trong khuôn khổ Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng của khu vực I di tích Kinh thành Huế.
Tại buổi khảo sát, ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, theo thống kê, năm 1995 có 1.838 hộ dân (hộ chính) sống tại khu vực I di tích Kinh thành Huế.
Năm 2003, số hộ dân tại đây tăng thêm 438 hộ và đến năm 2018, trong các khu vực I di tích Kinh thành Huế có khoảng 4.200 hộ dân sinh sống, trong đó có gần 50% là hộ phụ.
Vị Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho rằng, việc các hộ dân sống trong các khu vực I của di tích Kinh thành Huế là giới hạn tầm nhìn và làm giảm vẻ mĩ quan của di tích, ảnh hưởng đến diện mạo và sự bền vững của công trình kiến trúc, đặc biệt là làm môi trường bị ô nhiễm nặng.
Những khu ổ chuột mọc trên di tích Kinh thành Huế làm xấu đi bộ mặt của mảnh đất cố đô trong mắt du khách và việc di dời những hộ dận sống "treo" trên di tích này là điều cấp thiết.
Ông Phan Văn Tuấn cho hay, khó khăn nhất trong việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực I di tích Kinh thành Huế là hầu hết các hộ dân sống trong khu vực này không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ. Do đó, theo quy định hiện hành không được bồi thường. Mặt khác, không ít hộ dân vì quá nghèo nên nếu được cấp đất cũng không có tiền xây nhà.
Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho rằng, muốn triển khai đề án cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt về bồi thường, tái định cư và kinh phí hỗ trợ di dời của Trung ương để giải quyết sớm, dứt điểm, nhằm trả lại nguyên trạng di tích.
"Hiện đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng của khu vực I di tích Kinh thành Huế đang được chuẩn bị lấy ý kiến của các bộ, ngành và sau đó sẽ được trình lên Thường vụ Quốc hội. Trong đề án này, tỉnh đã xây dựng khung chính sách đặc biệt cho các hộ dân khó khăn. Hiện chính sách đặc biệt này đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét", ông Tuấn nói.
Rác thải sinh hoạt từ những khu ổ chuột trên Kinh thành Huế gây ô nhiễm môi trường tàn phá di tích.
Nguyện ước an cư
Có mặt tại những khu ổ chuột treo trên Kinh thành Huế - một di tích nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới năm 1993, trước mắt PV là cảnh những ngôi nhà lụp xụp, rách nát.
Việc di tích Kinh thành Huế bị lấn chiếm và biến thành nơi trồng trọt, sinh sống của người dân khiến di tích này bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác thải sinh hoạt từ người dân thải trực tiếp xuống hệ thống hào nước phía dưới Kinh thành Huế bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm...
Những hình ảnh đó đã làm xấu đi hình ảnh của Huế trong mắt du khách trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc cho hay, hơn 400 hộ dân của địa phương đang ở Thượng Thành - Eo Bầu đa phần là lao động phổ thông như đạp xích lô, xe thồ và buôn bán nhỏ.
Hầu hết những người dân trong những khu ổ chuột treo trên di sản văn hoá thế giới ở Huế đề muốn được di dời để được an cư, lạc nghiệp.
"Việc di dời, tái định cư cho các hộ dân diễn ra quá chậm khiến cuộc sống của bà con gặp muôn vàn khó khăn, nhất là mỗi khi mưa bão. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đều có nguyện vọng muốn sớm được di dời để an cư lạc nghiệp", bà Cúc nói.
Bà Nguyễn Thị Mai, sống trong khu ổ chuột Thuận Thành - Eo Bầu trên Kinh thành Huế hơn 40 năm qua cho biết, số tiền kiếm được từ việc đi hằng ngày của gia đình bà cũng chỉ đủ ăn chứ không có tiền để sửa nhà. Hơn nữa, căn nhà gia đình bà đang ở thuộc diện giải toả, di dời, không được phép sửa chữa.
"Ra ngoài buôn buôn bán thì sợ nhà sập không biết mà cứu con cháu, nhưng nếu ở nhà thì lấy cái chi mà sống. Nhà nước bảo giải tỏa cách đây 15 – 20 năm rồi nhưng đến giờ cũng chưa thấy giải tỏa. Bây chừ, chúng tôi mong nhà nước sớm có chính sách di dời để chúng tôi an cư, lập nghiệp”, bà Mai nói.
Cũng như gia đình bà Mai, do là nằm trên di tích nên nhà bà Gái (72 tuổi, ngụ phường Thuận Lộc và một trong những người lên sinh sống đầu tiên trên di tích Kinh thành Huế) cũng không được phép cơi nới hoặc xây dựng kiên cố. Mỗi khi xảy ra bão lũ, gia đình cụ Gái và tất cả các hộ dân sinh sống trên tường thành lại tay xách nách mang đi ở nhờ.
“Sống trên đời, ai mà chẳng muốn an cư lạc nghiệp” là câu nói của bà Nguyễn Thị Gái.
Được biết, gia đình bà Gái hiện có 3 thế hệ sinh sống tại khu ổ chuột treo trên di sản Huế.
Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thông qua được chia thành 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Thực hiện trong năm 2019 đến 2021 triển khai di dời các hộ dân trong phạm vi di tích Kinh thành Huế gồm: Tường thành, các eo bầu, hộ thành hào… với hơn 2.930 hộ.
Giai đoạn 2: Từ năm 2022 đến 2025 di dời hơn 1.200 hộ dân ở các khu vực còn lại. Tổng kinh phí di dời, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế khoảng 2.735 tỷ đồng.
Ngoài ra, phần hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ di dời, giải phóng mặt bằng với quy mô 105 ha, tổng mức đầu tư 1.362 tỷ đồng.
Đề án này thực hiện theo nội dung Thông báo số 26/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế về đề xuất cơ chế đặc thù về di dời, hỗ trợ tái định cư các hộ dân trong khu vực I di tích Huế.
Trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn triển khai để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ kinh phí phù hợp.
Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện đề án nói trên.