Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

HTX Bưởi Bằng Luân: Phát huy giá trị của bưởi đặc sản, vỏ và hạt cũng sinh lời

(VTC News) -

Anh Nguyễn Tuấn Oanh - HTX Bưởi và dịch vụ tổng hợp Bằng Luân cho biết, thay vì chỉ đầu tư vào quả bưởi, HTX hiện còn đầu tư vào cùi và hạt bưởi để tăng giá trị.

Hợp tác xã Bưởi và dịch vụ tổng hợp Bằng Luân có địa chỉ tại xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ được thành lập ngày 18/11/2021 khởi phát là tổ hợp sản xuất kinh doanh bưởi Bằng Luân hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt, dịch vụ, hỗ trợ, tư vấn khoa học và kỹ thuật nông nghiệp.

 

Hiện nay, HTX đang liên kết, sản xuất, kinh doanh bưởi với các hộ dân sản xuất bưởi xã Bằng Luân và các xã trên địa bạn huyện Đoan Hùng.

Sản lượng thu mua tiêu thụ trong vụ là khoảng gần 200.000 quả bưởi, dự kiến những năm tiếp theo, sản lượng này sẽ tăng lên 2,5 lần, tức khoảng 500.000 quả bưởi.

Quá trình kinh doanh bước đầu tương đối thuận lợi, tuy nhiên thời gian gần đây, việc tiêu thụ bưởi gặp không ít khó khăn không chỉ về cơ sở vật chất, kho bảo quản và cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm mà còn liên quan đến thời gian thu hoạch, điều kiện bảo quản.

 

Biến đặc sản thành hàng chất lượng cao đủ tiêu chuẩn xuất khẩu

Trong tiềm thức của nhiều người, Bưởi Đoan Hùng là thứ quả đặc sản nức tiếng và cây bưởi là thứ cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế theo mùa.

Câu chuyện được mùa - mất giá hay được giá mà chất lượng quả không cao… diễn ra như bất kể ở vùng quê nào. Thế nhưng giờ đây, trên cơ sở tiếp thu những kiến thức khoa học kỹ thuật cùng với sự sáng tạo, những người con đất bưởi đã biến cây bưởi không chỉ cho hoa thơm, trái ngọt mà còn trở thành “cây nguyên liệu” mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ lâu, cây bưởi với giá trị kinh tế cao đã được coi như loại “cây vàng” trên vùng đất khó này, bởi vậy, những vườn bưởi ngày càng được đầu tư chăm sóc, phát triển cùng sự phấn khởi của nhân dân.

 

Được biết, toàn huyện Đoan Hùng có tổng diện tích cây bưởi đạt gần 2.500ha, trong đó riêng 2 giống bưởi đặc sản là bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân 1.400ha, còn lại là bưởi Diễn và 1 số giống bưởi khác với sản lượng ước đạt 20.000 tấn và doanh thu đạt khoảng 300 tỷ đồng.

Những năm gần đây, tiếp thu những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người trồng bưởi đã chủ động việc thụ phấn cho cây để đảm bảo số lượng quả ở mỗi cây, từ đó cho chất lượng quả tương đối đồng đều và tận thu các sản phẩm phụ từ cây bưởi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bây giờ, không chỉ chủ động sản xuất và thu hoạch sản phẩm duy nhất là trái bưởi thành phẩm, mà các HTX còn chủ động cải tiến sản xuất và công nghệ, đa dạng sản phẩm, bao gồm tinh dầu bưởi, cùi bưởi,… tăng thu nhập và ổn định nguồn thu cho các thành viên HTX.

 

Khó khăn lớn nhất là ở đầu ra

Khác với cách làm trước đây, hiện người nông dân cũng chủ động thụ phấn thủ công cho cây bưởi, chọn những bông hoa trắng nhỏ như đầu ngón tay kết thành chùm lớn, khéo léo lựa, tách chọn bông hoa to nhất, có 5 cánh đều nhau làm hoa cái và sử dụng dụng cụ như chiếc chổi để “kết đôi” cho bưởi.

Những bông còn lại được ngắt cho vào những chiếc rổ lớn. Tương tự, ở những cành cao hơn, công việc càng khó khăn hơn khi chiếc chổi được nối dài thêm và phải thật tinh mắt mới chọn được đúng bông hoa đạt tiêu chuẩn. Với những cây bưởi non thì toàn bộ lượng hoa cũng sẽ được “thu hoạch”.

Quả bưởi non của đợt hoa đầu vụ nếu để sẽ cho chất lượng không cao, hay bị “gạo” khi thu hoạch cũng sẽ được ngắt bán làm nguyên liệu.

Đối với người dân trồng bưởi trong HTX, cây bưởi là thứ cây thúc đẩy kinh tế gia đình tăng rất nhiều. Từ bưởi, nhiều gia đình đã xây dựng được nhà cửa, mua sắm được các đồ dùng sinh hoạt, có kinh phí cho con cái học hành.

Bên cạnh việc chủ động số quả, bán cây giống như mọi năm, các thành viên HTX còn có thể tận dụng hoa bưởi, quả non và cả hạt bưởi là những thứ vốn chỉ vứt bỏ, thì trên cùng diện tích vườn sẽ cho thu nhập tăng thêm rất nhiều.

Hoa được chia ra 2 loại hoa rời 30.000 đồng/kg, hoa chùm 200.000/kg. Hạt thì tùy từng thời điểm, và chất lượng hạt có giá từ 50.000 - 150.000 đ/kg hạt và 5.000 - 10.000đ/quả bưởi non, quả dùng để ghép cảnh từ 9000 - 15.000 đồng sẽ xuất đi làng nghề cây cảnh ở Hưng Yên và Hoài Đức (HN) để phục vụ làm cây cảnh bán Tết.

Việc đảm bảo thời gian bón phân, tỉa cành, ngắt lá và thu hoạch đúng thời vụ, nhờ vậy, hiệu quả kinh tế từ cây bưởi ngày càng được nâng cao.

Hiện nay, trung bình 1ha bưởi đặc sản trồng trên đất Đoan Hùng cho thu nhập từ 400 - 600 triệu đồng và thêm nguồn thu từ các sản phẩm phụ dự kiến tăng hàng trăm triệu đồng/ha sẽ cho nguồn thu cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

 

Anh Nguyễn Tuấn Oanh cho biết, mỗi cây bưởi khoảng 10 năm tuổi có thể cho đến 20 - 30kg hoa bưởi, những cây trẻ hơn, cây non chưa cho quả có thể cho khoảng 10kg hoa/cây.

Hoa bưởi tươi cắt thành từng chùm 15 - 20cm cung cấp cho thị trường Hà Nội và các vùng lân cận làm hoa trưng bày hoặc ướp các loại đồ ăn, thức uống; hạt bưởi bên cạnh việc cung cấp cho các trang trại sản xuất cây giống có thể dùng ép dầu; quả non tận dụng vỏ làm tinh dầu và cùi để chế biến chè bưởi.

Trong thời gian qua, HTX Đoan Hùng đã triển khai công tác xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng bưởi. Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục tận thu các sản phẩm phụ từ bưởi như hoa, vỏ, hạt và quả non để gia tăng giá trị, làm phong phú, đa dạng về sản phẩm và nâng cao chất lượng, mẫu mã, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Đối với anh Tuấn Oanh, khó khăn lớn nhất hiện tại mà anh và bà con nông dân đang gặp phải chính là việc tiêu thụ, bảo quản và giữ giá. Bưởi thu hoạch theo vụ nên khi đến vụ thì giá rất rẻ, khó tìm được nơi tiêu thụ số lượng lớn nên khi vào mùa, thu nhập của HTX bị ảnh hưởng rất nhiều.

Chưa có sự gắn kết phối hợp giữa người trồng bưởi, doanh nghiệp thu mua và cơ quan chuyên môn trong việc áp dụng có hiệu quả các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, cách thu hoạch rải vụ, tiến hành bảo quản đúng cách, phân phối tiêu dùng đến thị trường tiềm năng.

Từ đó mà khó khăn sẽ tăng lên, tình trạng vào chính vụ bưởi thu hoạch dồn vụ nhiều dẫn đến giá thành kéo thấp do áp lực thị trường tiêu dùng tiêu thụ chậm. Sản lượng nhiều khi chính vụ, nhưng cuối vụ trong dịp tết và ra xuân đến lễ hội Đền Hùng sản phẩm được giá hơn thì số lượng còn lại ít và rất hiếm.

HTX cũng đang định hướng tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến để có thể xuất khẩu sang thị trường tiềm năng  như Nhật Bản. Đây cũng là mục tiêu của tỉnh đề ra cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, sẽ tăng diện tích chăm sóc mở rộng theo kế hoạch của tỉnh là 5.500ha, sản xuất tập trung hướng đến xuất khẩu.

PV

Tin mới