Một số hình ảnh về thị xã An Nhơn, Bình Định.
Thị xã An Nhơn (Bình Định) có quy mô dân số 208.396 người, được kỳ vọng sẽ là đô thị phát triển KT-XH năng động của vùng phía Nam tỉnh trong tương lai. Đây cũng là một trong những đô thị vệ tinh góp phần thúc đẩy phát triển TP Quy Nhơn và ngược lại.
Vừa qua, UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến cử tri của 15 xã, phường thuộc thị xã An Nhơn về việc thành lập thành phố An Nhơn thuộc tỉnh Bình Định. Kết quả, có 144.541/145.763 cử tri đồng ý, đạt tỷ lệ 99,16%; có 326/145.763 cử tri không đồng ý, chiếm tỷ lệ 0,22%.
Lý do cử tri không đồng ý vì e ngại người dân phải mất thời gian đi lại để làm thủ tục thay đổi, cập nhật thông tin các loại giấy tờ có liên quan; đồng thời, các loại thuế, phí và lệ phí đều tăng làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Thị xã An Nhơn cách TP Quy Nhơn gần 20 km về phía Tây Bắc, được thành lập năm 2011, hiện là đô thị loại 3 với 5 phường và 10 xã. Cuối năm 2022, UBND tỉnh Bình Định có kiến nghị nâng cấp An Nhơn lên thành phố vào năm 2025.
Gần đây, địa phương này đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình phát triển để công nhận thành phố trước hạn, dự kiến vào năm 2024. Tổng mức đầu tư các công trình đến cuối năm 2022 đạt 3.363 tỷ đồng.
An Nhơn đang tập trung hoàn thành và triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để mở rộng không gian hình thành của các khu đô thị, khu dân cư mới.
Không chỉ là đô thị vệ tinh của TP Quy Nhơn, An Nhơn còn là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa xã hội ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, được đánh giá có hệ thống giao thông rất thuận lợi, với Quốc lộ 1, Quốc lộ 19 và đường sắt Bắc - Nam. Nơi đây cũng có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cao tốc Quy Nhơn - Pleiku (Gia Lai) đi qua.
Ưu thế trên thúc đẩy An Nhơn đầu tư hoàn chỉnh, kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp An Trường, An Mơ, Đồi Hỏa Sơn, Nhơn Tân 1... để thu hút các ngành nghề sản xuất công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường.
An Nhơn còn được biết đến là một địa phương có bề dày lịch sử và nhiều di tích, xưa từng là kinh đô của vương quốc Champa và vương triều của Hoàng đế Thái Ðức Nguyễn Nhạc. An Nhơn có 22 di tích lịch sử được Nhà nước công nhận.
Phong trào võ cổ truyền thị xã An Nhơn phát triển mạnh, chú trọng đến chất lượng. Trên địa bàn hiện có hơn 20 võ đường truyền dạy võ cổ truyền của các võ sư, chuẩn võ sư, HLV...
Ngoài ra, An Nhơn được nổi tiếng và biết đến hơn cả là thủ phủ mai vàng của miền Trung. Đây là nguồn lợi lớn cho địa phương vào những dịp cuối năm.
Nghề trồng cúc của An Nhơn để cung ứng cho cả nước vào dịp Tết cũng không hề kém cạnh mai vàng.
An Nhơn cũng có 28 làng nghề, chiếm gần 50% số làng nghề của tỉnh Bình Định, trong đó có 24 làng nghề đạt tiêu chí được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống.
“Xây dựng An Nhơn trở thành đô thị hiện đại, giàu bản sắc. An Nhơn phải ngồi lại để đánh giá lại những tiềm năng, lợi thế, xác định các điểm nghẽn, từ đó, hoạch định kế hoạch phát triển cho 5 năm tới, đóng góp chung cho sự phát triển của tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng trước mắt là nhanh chóng hoàn thành hồ sơ, trình HĐND tỉnh thông qua Đề án thành lập các phường thuộc thị xã và thành lập TP An Nhơn vào cuối năm 2024, hoàn thành mục tiêu đưa An Nhơn lên thành phố trong năm 2025”, chỉ đạo của đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Bình Định.
“Thị xã cần tiếp tục huy động và cân đối các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, đảm bảo đạt tiêu chuẩn thành phố. Tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ địa phương để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, trình HĐND tỉnh thông qua Đề án thành lập các phường thuộc thị xã và thành lập thành phố An Nhơn”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng.