Từng chứng kiến quê mình bị xâm nhập mặn, cây trái héo úa chết hoặc giảm năng suất, Huỳnh Hoàng Khánh (lớp 8A1) và Nguyễn Thị Ngọc Dung (lớp 9A1, cùng Trường phổ thông dân tộc nội trú Him Lam, Hậu Giang) đã chế tạo Đập ngăn mặn thông minh nhằm giúp ích cho quê hương.
Khánh cho biết Hậu Giang quê em là vùng đồng bằng đất đai màu mỡ thích hợp để trồng cây lúa, cây ăn trái… Nhưng những năm gần đây, xâm nhập mặn ngày một nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là người dân khó phân biệt được nước có nồng độ mặn ở mức cây có thể chịu được để tưới tiêu và gia đình em cũng đã bị ảnh hưởng.
Sau 4 tháng nghiên cứu, vận dụng những kiến thức đã học, sự hỗ trợ của giáo viên bộ môn, cuối cùng đập ngăn mặn thông minh sử dụng năng lượng mặt trời được hoàn thành.
Khánh và Dung đưa đập ra thực địa thử nghiệm
Đập có thiết kế đơn giản bao gồm bộ cảm biến nồng độ mặn, bộ thiết bị so sánh mặt nước bên trong và ngoài đập, bộ xác định mực nước chuẩn, hệ thống cơ và bộ logic.
Đập vận hành theo cơ chế pin năng lượng mặt trời sẽ tích điện cho ắc quy, từ đây ắc quy sẽ cung cấp nguồn điện cho toàn bộ hệ thống hoạt động theo sự điều khiển của bộ logic. Bộ logic đảm nhận trách nhiệm xử lý thông tin ngõ vào và xuất ra mệnh lệnh điều khiển các rơle ở ngõ ra hoạt động theo quy định đã lập trình trước đó.
Theo đó, đập sẽ đóng và đồng thời bơm nước trong trường hợp độ mặn ở ngoài thấp (hoặc không mặn). Khi độ mặn ở ngoài cao (hoặc không mặn), mực nước bên trong quá cao đóng đập kết hợp bơm nước ra, để nước ở khoảng chuẩn mà cây phát triển tốt. Không dừng lại đó đập còn có khả năng chỉ đóng và chỉ mở khi bộ logic điều khiển.
Đập ngăn mặn thông minh của Khánh và Dung đã đạt giải 3 cuộc thi Cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2016 - 2017 khu vực phía Nam và giải đặc biệt của Trường ĐH Cần Thơ.