Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Học sinh biến vỏ hạt điều, lá dã quỳ thành chế phẩm hữu cơ thân thiện môi trường

(VTC News) -

Đam mê nghiên cứu và với suy nghĩ bảo vệ môi trường, nhóm học sinh đã biến vỏ hạt điều và lá cây hoa dã quỳ thành chế phẩm hữu cơ.

Nhóm 5 học sinh của trường THPT Chuyên Hùng Vương (TP Pleiku, Gia Lai) gồm Lê Nhật Minh (11C2A), Trần Lê Hải (12C8), Phan Lê Khánh Dương (11C6), Huỳnh Thị Thanh Huyền (11C2B) và Võ Trọng Nhân (11C5A) đã thực hiện dự án “Combo (Far-Sup), sản phẩm của nhà nông làm từ phế thải nông nghiệp, thân thiện với môi trường”.

Đây là dự án nghiên cứu tạo ra chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học và phân bón hữu cơ từ vỏ hạt điều và lá cây hoa dã quỳ. Dự án xuất sắc đạt giải nhì Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên và Nhi đồng toàn quốc năm 2020, khi vượt qua 754 đề tài của 57 tỉnh thành tham gia.

Nhóm tác giả của dự án “Combo (Far-Sup), sản phẩm của nhà nông làm từ phế thải nông nghiệp, thân thiện với môi trường”. (Ảnh: Hiền Mai)

Chia sẻ về dự án này, em Lê Nhật Minh cho biết, mỗi năm khoảng 50 ngàn tấn vỏ hạt điều ở Gia Lai bị thải ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó ở chúng lại chứa một số chất khi kết hợp với lá cây hoa dã quỳ sẽ tạo ra hỗn chất cực mạnh có thể chống côn trùng xâm hại đến cây điều và một số loại cây khác. Vì vậy em và các bạn bắt tay vào nghiên cứu.

Nhóm mong muốn chế phẩm nông nghiệp này sẽ giúp nhà nông chống lại các loại sâu bệnh hại cho cây điều, cũng như những cây khác.

Để hoàn thành dự án, nhóm học sinh phải tranh thủ thời gian nghỉ học cuối tuần, đi khảo sát, thực nghiệm và gần một năm dày công nghiên cứu.

“Ban đầu nhóm khảo sát vườn điều tại xã Ia O (huyện Ia Grai), cách nơi ở của nhóm hơn 15km. Sau đó nhóm đọc tài liệu nghiên cứu, phân tích, tách chiết các chất, đi tìm mẫu vật, hỏi ý kiến của chuyên gia,…để có phương pháp nghiên cứu đúng hướng", em Trần Lê Hải chia sẻ.

Nghiên cứu khi mới là học sinh cấp 3, nên nhóm không tránh khỏi khó khăn, như vỏ hạt điều có chất gây dị ứng nên các bạn phải mất hàng tháng để loại bỏ chất này, từ đó tạo nên sản phẩm diệt được côn trùng tối ưu nhất.

Nhóm mong mỏi thời gian tới sản phẩm này sẽ được ứng dụng rộng rãi vào nhiều loại cây trồng khác ngoài cây điều. Bên cạnh đó, các bạn sẽ tiếp tục nghiên cứu, chế tạo ra nhiều sản phẩm mới mẻ, áp dụng vào thực tế để giúp đỡ phần nào khó khăn cho bà con nông dân.

Nhóm tác giả trường THPT chuyên Hùng Vương giới thiệu sản phẩm. (Ảnh: Hiền Mai)

Theo thạc sĩ Phùng Thị Kim Huệ (cô giáo hướng dẫn) chia sẻ: “Chế phẩm combo (Far-Sup) sẽ giúp bảo vệ và chăm sóc cho cây điều. Đặc biệt, sản phẩm được tạo ra từ nguồn nguyên liệu thải bỏ của chính cây điều nên giá thành bán ra sẽ rẻ, san sẻ bớt phần nào khó khăn cho bà con nông dân”.

HIỀN MAI

Tin mới