Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ninh Thuận: 3 học sinh chế tạo phao cứu sinh điều khiển từ xa

Với thiết bị, dụng cụ đơn giản, nhóm học sinh gồm Nguyễn Đoàn Tiến, Nguyễn Trọng Tâm và Nguyễn Thị Hồng Vi - Trường iSchool Ninh Thuận đã làm ra chiếc phao cứu sinh có thể điều khiển từ xa, nhằm hạn chế rủi ro trong cứu nạn người đuối nước.

Khảo sát thực tiễn để tìm ra ý tưởng nghiên cứu

Chia sẻ về ý tưởng độc đáo này, em Nguyễn Đoàn Tiến cho biết: "Năm 2016, nhóm em đã mất đi một người bạn thân thiết vì đuối nước trong một lần đi chơi sông. Chúng em còn được biết, ở nước ta, trung bình mỗi năm có khoảng 7.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Nguyên nhân chủ yếu do các em không biết bới, thiếu các sản phẩm chuyên dụng. Trong khi đó, các sản phẩm cứu hộ chuyên dụng ở Việt Nam có nhiều nhưng chưa tiện dụng. Trước thực tế đó, chúng em quyết định thực hiện nghiên cứu về thiết bị cứu sinh cho người đuối nước, tuy nhiên vẫn chưa tìm ra những điểm sáng tạo, mới và tiện dụng hơn so với những phao cứu sinh hiện đã có” – Tiến chia sẻ.

Sau khi thống nhất về chọn đề tài nghiên cứu, cả nhóm chia nhau điều tra khảo sát, tìm hiểu nguyện vọng về các tính năng cần có của phao cứu sinh, phân tích các sản phẩm cứu hộ hiện có trên thị trường, tìm hiểu các tình huống đuối nước trên các đoạn video, clip, phóng sự để quan sát kỹ từng hành động, diễn biến của người gặp nạn,…

Sau đó, cả nhóm phân tích, rút ra nhận xét về chuỗi phản ứng của người bị đuối nước, nhất là trong các tình huống bất ngờ. Cuối cùng, chúng em thống nhất đưa ra ý tưởng cần một phao cứu sinh có chức năng di chuyển đến vị trí người đuối nước nhanh chóng sẽ hạn chế được tỷ lệ tử vong cho người bị đuối nước, kể cả những người trực tiếp xuống cứu.

Các em Tiến, Tâm, Vi bên mô hình dự án “Phao cứu sinh điều khiển từ xa” 

Thiết bị đơn giản, giá thành rẻ

Sau khi đã thống nhất cùng làm thiết bị phao cứu sinh điều khiển từ xa, nhóm bắt đầu lên thiết kế bằng hình ảnh, rồi tìm vật liệu để làm. Vật liệu của thiết bị gồm nguồn điện ắc quy 12v, ống nước PVC, hai motor 12v, phao, thiết bị điều khiển phao,...

Nguyễn Thị Hồng Vi chia sẻ: "Trong quá trình nghiên cứu, chúng em gặp nhiều khó khăn về thời gian. Vì chúng em đều học cả ngày, khác khối lớp nên phải cố gắng tập trung vào những giờ ra chơi và ngày nghỉ cuối tuần để thực hiện ý tưởng của mình. Khi bắt tay vào làm chúng em bỡ ngỡ rất nhiều thứ, như mạch điều khiển hoạt động như thế nào mà có thể điều khiển được phao, phải lắp thế nào để hai động cơ quay ngược chiều nhau, cách quạt lắp vào động cơ sao cho cho phù hợp…”.

Sau nhiều lần thử nghiệm, cứ sai lại sửa, hỏng làm lại, cùng với sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo Nguyễn Trí Thịnh, sản phẩm của cả nhóm cũng được hoàn thành trong khoảng thời gian 3 tháng. Tiến cho biết, thiết bị gồm một phao và ắc quy, mạch điều khiển được đặt vào thùng xốp kín. Khi thấy người đuối nước, phao được thả xuống và điều khiển đến người bị nạn.

Sau khi thấy người bị nạn bám được vào phao thì sẽ điều khiển để phao quay lại bờ. Bằng cách này, phao đến được người bị nạn nhanh hơn và không cần có người xuống cứu trực tiếp. Điều này rất lợi thế, nhất là những trường hợp không có người biết bơi xuống cứu và cũng tránh được tình trạng người cứu cũng bị đuối nước theo.

Sau khi thử nghiệm dưới hồ bơi, vận tốc của phao đạt được là 10km/h. Phao có thể cứu được hai người (khoảng 110kg) cũng một lúc. Mô hình khá đơn giản, dễ tìm vật liệu, với tổng chi phí sản phẩm chưa đến 1 triệu đồng, nếu được sử dụng rộng rãi thì góp phần hữu ích trong việc cứu nạn người đuối nước.

“Nếu có điều kiện về vật chất và thời gian, nhóm chúng em sẽ tiếp tục nghiên cứu, chế tạo phao cứu sinh điều khiển từ xa với kích thước lớn và tốc độ di chuyển nhanh hơn để cùng một lúc có thể cứu hộ được nhiều người bị đuối nước. Ngoài ra, chúng em cũng muốn nghiên cứu để phao cứu sinh không bị lật khi ra ngoài biển lúc có sóng mạnh, lắp thêm đèn, còi báo động, cảm biến nhiệt, gắn thêm bộ đàm để có thể liên lạc được với người bị nạn" – Đoàn Tiến chia sẻ về mong muốn của cả nhóm trong thời gian tới.

Hướng phát triển cho dự án mang tính cộng đồng cao, giàu giá trị Nhân bản

Mặc dù dự án “Phao cứu sinh điều khiển từ xa” của các em Tiến, Tâm, Vi chỉ đoạt giải Khuyến khích tại Hội thi, song ý tưởng đầy nhân văn và có ý nghĩa xã hội cao của các em đã nhận được nhiều sự quan tâm, động viên từ thầy cô, khán giả và quan khách. Các em cho biết, sau cuộc thi, sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm, tăng tốc độ di chuyển của phao, thay bộ điều khiển bằng sóng RF 2 kênh thành 4 kênh để vận hành được nhiều phao hơn, lắp thêm bộ cảm biến báo động, bộ đàm để có thể liên lạc được với người bị nạn.

Tại Hội thi “Nhà khoa học trẻ NHG 2018” vừa qua, hệ thống Trường liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool có nhiều đề tài tham dự gây ấn tượng vì tính cộng đồng và ứng dụng cao. Trong đó, dự án “Công tắc WIFI - Bộ điều khiển hỗ trợ người khuyết tật” của các em 2 bạn Võ Lê Mai Anh và Lê Nguyên, học sinh lớp 9/3 trường iSchool Nha Trang đã xuất sắc dành giải Nhất chung cuộc.

Hội thi là hoạt động thường niên do Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG) tổ chức nhằm giúp học sinh trau dồi, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn đời sống, hình thành các sản phẩm phục vụ cộng đồng, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, đam mê tìm hiểu, đam mê nghiên cứu cho học sinh trong hệ thống giáo dục của Tập đoàn.

Nhã Phương

Tin mới