Hóa thạch này là một phần xương cổ dài 5 cm, thuộc về loài khủng long có tên elaphrosaur. Elaphrosaur là họ hàng của khủng long bạo chúa T-rex và khủng long móng vuốt Velociraptor.
Theo nhóm nghiên cứu tới từ Đại học Swinburne, elaphrosaur có thân hình dài và mảnh. Con trưởng thành dài khoảng 4m, 2 chi trước ngắn và mỗi chi có 4 ngón. Thức ăn chủ yếu của chúng là thực vật.
"Đây là một trong số những loài khủng long chân thú khó hiểu nhất. Chúng chạy nhanh, có cổ dài, cơ thể tương đối nhẹ, chuyển từ chế độ ăn thịt của tổ tiên sang chế độ ăn tạp", nhà cổ sinh vật học Steve Brusatte tới từ Đại học Edinburgh cho hay.
Hình ảnh mô phỏng về elaphrosaur. (Ảnh: Daily Mail)
Hóa thạch của sinh vật này được tìm thấy vào năm 2015 tại một địa điểm ở Cape Otway, cách Melbourne vài giờ chạy xe.
Các nhà nghiên cứu ban đầu cho rằng hóa thạch này có thể thuộc về một con khủng long biết bay, nhưng các cuộc kiểm tra sau đó khiến họ hết sức bất ngờ.
Hóa thạch trên có niên đại khoảng 110 triệu năm trước. Thời điểm này, Australia vẫn còn là một phần của Gondwana. Gondwana là siêu lục địa phía Nam được tạo thành từ châu Phi, Nam Cực, Nam Mỹ, Australia và các vùng đất lớn khác.
Vào thời điểm đó, Nam Cực không phải là một vùng đất băng giá mà là một khu rừng tươi tốt với nhiều loài động, thực vật là thức ăn ưa thích của elaphrosaur.
"Chúng (elaphrosaur) có lẽ là một nhóm khủng long phân bổ rộng khắp, thậm chí là trên toàn cầu nhưng chưa được chú ý tới vì những manh mối ít ỏi mà chúng để lại", ông Brusatte cho hay.
Dựa vào số lượng hóa thạch được tìm thấy trong nhiều năm quanh Cape Otway, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ phát hiện thêm nhiều bằng chứng về elaphrosaur trong tương lai cũng như tìm hiểu về sự khác biệt và tương đồng với họ hàng của chúng ở Trung Quốc, Tanzania và Argentina.