Loài mới, được đặt tên là Oculudentavis khaungraae, có kích thước còn bé hơn cả loài chim ruồi nhỏ nhất hiện nay, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature hôm 11/3. Hộp sọ của con vật được bảo quản gần như nguyên vẹn bên trong một miếng hổ phách ở miền Bắc Myanmar.
Hình ảnh phục dựng loài khủng long nhỏ nhất dựa trên hóa thạch hộp sọ. (Ảnh: SWNS)
Các phân tích hóa thạch cho thấy O. khaungraae đã có mặt trên Trái Đất khoảng 100 triệu năm trước. Loài khủng long giống chim này có đôi mắt lồi như thằn lằn và chiếc mỏ dài chứa khoảng 100 chiếc răng sắc nhọn. Chúng là động vật săn mồi mặc dù có kích thước nhỏ bé.
"Khi nhắc đến khủng long, nhiều người thường liên tưởng tới những sinh vật to lớn và chậm chạm, nhưng các phát hiện trong hổ phách gần đây cho thấy sự sống thời tiền sử đa dạng hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ. Vẫn còn nhiều loài khủng long nhỏ bé chưa được mô tả trong hồ sơ hóa thạch", Jingmai O'Connor, Giáo sư tại Viện Cổ nhân loại học và Cổ sinh vật học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết.
Các hóa thạch động vật có xương sống rất hiếm khi được tìm thấy trong hổ phách. "Tôi thực sự kinh ngạc! Chúng tôi chưa từng thấy thứ gì tương tự", O'Connor chia sẻ cảm xúc khi lần đầu tiên nhìn thấy hóa thạch của loài O. khaungraae. "Khi một con vật được bảo quản trong hổ phách, trông nó như mới chết vào hôm qua".
Mẫu vật ở Myanmar được sưu tầm tại một khu chợ bởi Khaung Ra, một phụ nữ Trung Quốc, người sau đó đã tặng hóa thạch cho Bảo tàng Hupoge để nghiên cứu. Các nhà khoa học đã vinh danh đóng góp cô bằng cách sử dụng từ "khaungraae" để đặt tên cho loài khủng long mới.