Sự vắng mặt của Nguyễn Tuấn Mạnh ở đợt tập trung này khiến cuộc cạnh tranh trong khung gỗ tuyển Việt Nam trở nên rõ ràng hơn. Khi Nguyễn Văn Toản, Nguyễn Văn Hoàng đều còn trẻ và thiếu kinh nghiệm, Bùi Tấn Trường trở thành cái tên duy nhất có thể so kè với Đặng Văn Lâm.
Những thủ môn dự bị ở vòng loại World Cup là Tuấn Mạnh và Văn Cường không được gọi nên cuộc cạnh tranh dường như là chuyện riêng của Tấn Trường (trái) và Văn Lâm (phải). Đồ họa: Minh Phúc.
Xét về phong độ, Tấn Trường hơn hẳn người đàn em. Thủ thành 35 tuổi đã liên tục bắt chính cho CLB Hà Nội kể từ khi gia nhập đội bóng này hồi giữa năm ngoái. Mùa này, anh mới vắng mặt một trận tại V.League. Việc được triệu tập và bắt chính trong trận giao hữu của đội tuyển với U22 hồi cuối năm ngoái cho thấy Tấn Trường được HLV Park Hang Seo đánh giá cao thế nào.
Hai đợt tập trung gần nhất Tấn Trường có mặt là hai lần Văn Lâm không có tên ở tuyển Việt Nam. Nếu vòng loại World Cup vẫn diễn ra theo lịch cũ, Tấn Trường vẫn sẽ được gọi nhưng khó lòng tranh nổi suất bất chính. Nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm thay đổi thể thức vòng loại, cho Tấn Trường thêm thời gian, giúp anh đường hoàng lên tuyển, làm quen với đồng đội mới, thích nghi với triết lý của ông Park.
Hơn nửa năm Văn Lâm không thi đấu, Tấn Trường đã không còn là người xa lạ ở đội tuyển.
Còn Lâm thì sao? Lần cuối cùng anh được thể hiện mình là trong trận gặp Prachuap hồi tháng 11 năm ngoái. Từ đó tới nay, Lâm không được thi đấu, thậm chí không được đăng ký một trận chuyên nghiệp nào.
Lùm xùm chuyển nhượng ở Muangthong, khó khăn trên đường sang Nhật Bản và cuộc cạnh tranh khốc liệt tại Cerezo Osaka là tất cả những gì chúng ta nhớ về Lâm trong giai đoạn này. Thủ môn sinh năm 1993 vẫn tập luyện chăm chỉ, vẫn cực kỳ chuyên nghiệp. Nhưng việc thiếu thực tiễn thi đấu chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ tới anh.
Về trình độ, Văn Lâm cao 1,88 m, Tấn Trường cao 1,89 m. Cả hai đều bắt bóng bổng tốt, làm chủ được vùng cấm địa. Họ đều giàu kinh nghiệm ở cấp đội tuyển và CLB, chơi chân không tệ, là chốt chặn đáng tin cậy tại CLB của mình. Từng có những ý kiến lo ngại về tuổi tác của Tấn Trường nhưng vị trí thủ môn vốn không đòi hỏi nhiều thể lực mà cần sự chín chắn và tập trung lớn.
Cả Văn Lâm và Tấn Trường đều còn những điểm yếu. Thủ môn của Cerezo Osaka khác biệt các đồng nghiệp Việt Nam bởi sự ổn định, chắc chắn, nhưng anh phản xạ chậm, đấu tay đôi không quá ấn tượng. Ngược lại, Tấn Trường chịu vết nhơ bởi nhiều sai lầm trong quá khứ dù đã cải thiện điều đó đáng kể trong một năm qua tại CLB Hà Nội.
Chia sẻ với Zing, chuyên gia Phan Anh Tú cho rằng: “Chuyên môn của Lâm là không phải bàn cãi, bởi cậu ấy đang khoác áo CLB tầm cỡ châu lục. Trong khi đó, Tấn Trường có màn hồi sinh bất ngờ và ấn tượng ở độ tuổi tưởng chừng đã giã từ sự nghiệp. Dù dù mắc một số sai lầm tại CLB Hà Nội, nhưng về tổng thể, Tấn Trường là thủ môn chất lượng. HLV Park gọi Tấn Trường chứng tỏ ông trao niềm tin rất lớn cho thủ môn này”.
Về sự hòa hợp, Văn Lâm lên tuyển từ năm 2016, bắt chính từ 2017 và đã góp mặt trong những chiến công lớn nhất của thời kỳ Park Hang Seo. Tấn Trường xa đội tuyển đã lâu nhưng hai đợt tập trung và việc được chơi bóng trong môi trường đội tuyển thu nhỏ tại CLB Hà Nội giúp anh thích nghi với tuyển nhanh hơn.
Văn Lâm vắng mặt trong các trận chuyên nghiệp suốt nửa năm qua. Ảnh: Cerezo Osaka.
Nguồn tin của Zing xác nhận Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã can thiệp để Văn Lâm được hội quân sớm sau trận đấu ngày 26/5 của Cerezo Osaka. Như vậy, Văn Lâm sẽ có khoảng chục ngày tập luyện cùng đồng đội. Nỗ lực của VFF cho thấy Văn Lâm quan trọng thế nào với tuyển Việt Nam.
Nhưng trở về đội tuyển từ nước ngoài không có nghĩa là Văn Lâm chắc chắn bắt chính. Ngay tại vòng loại World Cup, Đoàn Văn Hậu và Nguyễn Công Phượng cùng quay về từ châu Âu. Nhưng chỉ Hậu được đảm bảo suất chính thức. Vị trí của Văn Lâm vì thế sẽ phụ thuộc vào sự thể hiện của anh trong so sánh với Tấn Trường.
Giữa Tấn Trường và Văn Lâm, lựa chọn nào cũng sẽ đi kèm một cái giá. Chọn Văn Lâm, ông Park phải chấp nhận những chuệch choạc từ một thủ môn đã nghỉ đấu hơn 6 tháng. Chọn Tấn Trường, ông sẽ cấy một nhân tố mới vào hàng thủ vốn đang ổn định.
Chuyện của Văn Lâm ở Nhật Bản không chỉ gói gọn tại vòng loại World Cup mà sẽ còn phức tạp hơn trong tương lai. Do AFF Cup không nằm trong hệ thống FIFA Day, Cerezo Osaka sẽ không nhả người về cho đội tuyển Việt Nam. Điều đó càng trở nên rõ ràng hơn với trường hợp của Văn Lâm bởi anh đang hướng tới việc cạnh tranh bắt chính tại CLB Nhật Bản. Nếu Văn Lâm không dự AFF Cup vào cuối năm, ai sẽ thay anh?
Tuyển Philippines là một tham khảo mà HLV Park có thể xem xét. Đối thủ cùng khu vực với tuyển Việt Nam có hai thủ môn đẳng cấp là Michael Falkesgaard (Bangkok United) và Neil Etheridge (Birmingham City). Người Philippines thường sử dụng Falkesgaard trong các giải khu vực và châu lục (AFF Cup, Asian Cup) và ưu tiên Etheridge cho những trận đấu thuộc hệ thống FIFA Day (vòng loại World Cup).
Đó có thể là một lời gợi ý cho khung gỗ tuyển Việt Nam trên chặng đường dài.
Còn trước mắt, vòng loại World Cup là một giải đấu đặc biệt, đặc biệt bởi tuyển Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử và chỉ còn 3 trận để hiện thực hóa cơ hội đó. Ba trận rất ngắn và không cho phép mọi sai lầm. Với rất nhiều lợi thế, tuyển Việt Nam chỉ cần chơi ổn định là đủ để đạt được mục tiêu. Trong ngắn hạn, sự ổn định ấy có lẽ phù hợp với Văn Lâm hơn là Tấn Trường.