Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hệ thống phòng không tốt nhất thế giới của Mỹ làm gì khi xảy ra thảm kịch 11/9?

(VTC News) -

Bộ Tư lệnh NORAD có nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Bắc Mỹ nhưng lực lượng này lại có phản ứng không đủ nhanh trước các cuộc tấn công liên tiếp nhằm vào nước Mỹ.

Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) là cơ quan quân sự phối hợp giữa Mỹ và Canada nhằm cảnh báo và bảo vệ không phận của hai quốc gia Bắc Mỹ.

Vào sáng thứ 3, ngày 11/9/2001, sau khi chiếc máy bay chở khách Boeing 767 mang số hiệu 11 (AA11) của hãng hàng không American Airlines lao vào tháp phía bắc của Trung tâm thương mại thế giới ở thành phố New York lúc 8h46 thì Cục Hàng không Liên bang (FAA) của Mỹ bắt đầu phát đi cảnh báo về nguy cơ các máy bay đang hoạt động trên không bị không tặc tấn công.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trong số bốn máy bay bị các phần tử khủng bố al-Qaeda khống chế vào ngày 11/9 thì chỉ có duy nhất một máy bay phát đi tín hiệu khẩn cấp (chuyến bay 93 của hãng United Airlines).

Hình ảnh chiếc Boeing 767 mang số 11 của American Airlines trước khi lao vào tòa tháp phía bắc Trung tâm thương mại thế giới, 8h46 sáng 11/9. 

Như thường trực, cùng với việc gửi cảnh báo tới các hãng hàng không, FAA sẽ yêu cầu sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) nhằm đối phó với tình huống tấn công khủng bố có thể diễn ra trên không. Lúc đó, NORAD sẽ ra lệnh cho các chiến đấu cơ trong khu vực bay hộ tống, tiếp cận và theo dõi chiếc máy bay được xác định là bị không tặc khống chế.

Hành động này của NORAD nhằm đảm bảo chiếc máy bay “bị cướp” nằm trong vòng kiểm soát, theo dõi các hành động bất thường và hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trong tình huống khẩn cấp. Tùy theo tình huống, chỉ huy NORAD sẽ có hành động can thiệp (kể cả bắn hạ) nếu chiếc máy bay bị khống chế tạo ra các mối đe dọa đến an ninh quốc gia.

Sự chậm trễ đến khó hiểu của NORAD

Theo báo cáo của Ủy ban điều tra vụ khủng bố 11/9, FAA đã không có thông báo đầy đủ cho NORAD về việc các chuyến bay 11, 77, 93 hoặc 175 bị không tặc khống chế trong thời gian sớm nhất, dẫn đến việc NORAD gần như bị động trong việc triển khai các chiến đấu cơ lên trên không để ngăn chặn nguy cơ.

Hình ảnh bên trong trung tâm chỉ huy của NORAD ở núi Cheyenne vào năm 1996. (Ảnh: Airman Magazine)

Việc FAA không sớm nhận ra mối đe dọa cũng như việc liên lạc chồng chéo giữa các trung tâm điều hành dẫn đến việc thông tin cảnh báo được gửi đến NORAD khá muộn. Thông tin AA11 bị không tặc khống chế được FAA gửi đến căn cứ phòng không quốc gia Otis vào khoảng 8h34 (13 phút sau khi họ nhận ra AA11 đã bị cướp), từ đây cảnh báo mới được gửi đến các trung tâm chỉ huy khác của NORAD.

Điều đáng nói là FAA và cả NORAD không thể xác định được vị trí của các máy bay bị không tặc khống chế sau khi các phần tử khủng bố tắt bộ phát đáp (cho biết độ cao hoặc danh tính của máy bay).

Ở thời điểm NORAD ra lệnh cho các chiến đấu cơ đầu tiên cất cánh (khoảng 8h53) thì AA11 trước đó 7 phút đã đâm vào tòa tháp phía bắc của Trung tâm thương mại thế giới. Khi chiếc Boeing 767 mang số hiệu 175 (UA175) của United Airlines đâm vào tòa tháp phía nam (9h03) hai chiến đấu cơ được NORAD phái đi vẫn còn cách Manhattan 20 phút.

Theo các báo cáo sau đó, phải đến 9h25, NORAD mới thiết lập được vùng tuần tra ở Manhattan cũng như phần còn lại của New York.

Khoảnh khắc chiếc Boeing mang số hiệu 175 lao vào tòa tháp phía nam Trung tâm thương mại thế giới vào 9h03. (Ảnh: IBTimes India)

Đến chuyến bay 77 (AA77) của American Airlines mọi việc vẫn không khá hơn khi FAA và cả NORAD đều không thể xác định được vị trí của chiếc máy bay này. Thông tin AA77 bị không tặc khống chế được đưa vào khoảng 9h 25 và đến 9h34 phía NORAD mới nhận được báo cáo đầy đủ.

Chỉ 3 phút sau, AA77 đã đâm vào cánh phía tây của Lầu Năm Góc. NORAD chỉ xác định vị trí của AA77 đang hướng đến Washington, DC lúc 9h35, họ gần như không thể làm được gì trong tình huống này.

Về chuyến bay 93 (UA93) của United Airlines, dù biết máy bay bị cướp từ sớm (9h28) nhưng FAA và NORAD vẫn bất lực trong việc tìm cách xác định vị trí của UA93. Đến 10h03, UA93 đâm xuống một cánh đồng ở Stonycreek, bang Pennsylvania, cách Washington khoảng 20 phút bay khi các hành khách lẫn phi hành đoàn quyết định đứng lên chống lại bọn không tặc.

Gần 3.000 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương do hậu quả của các cuộc tấn công, trong đó có 19 tên không tặc trong sự kiện 11/9.

Có nhiều giả thuyết được đưa ra sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ, trong đó sự chậm trễ của NORAD cũng như phản ứng của Lầu Năm Góc về sự kiện này được nhắc đến nhiều nhất, quân đội Mỹ nói chung đủ khả năng ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố như vậy.

Vụ khủng bố 11/9 để lại nhiều nghi vấn và nhiều câu hỏi không có câu trả lời. (Ảnh: piximus.net).

Theo đó, một máy bay chở khách thương mại chỉ có thể thực hiện vụ tấn công như sự kiện 11/9 với điều kiện được Lầu Năm Góc làm ngơ bởi họ có khả năng bắn rơi mọi máy bay tạo ra các mối đe dọa an ninh quốc gia.

Trà Khánh (Tổng hợp)

Tin mới