Vụ việc 39 người chết trong container xe tải ở Anh hôm 23/10 đang dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà chức trách của cả châu Âu và Anh về nguy cơ những đứa trẻ di cư để đoàn tụ gia đình ở Anh có thể rơi vào tay những kẻ buôn người. Điều này được Cơ quan cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) cảnh báo. Đặc biệt là khi khả năng Anh sẽ rời EU đúng thời hạn, trước ngày 01/01/2020 là rất hiện hữu.
Anh hiện sử dụng chung cơ sở dữ liệu trên toàn EU, trong đó có Hệ thống thông tin Schengen, để báo cáo và điều tra hoạt động liên quan đến tội phạm cũng như tình trạng trẻ em mất tích trên khắp châu Âu. Tuy nhiên, sau khi Brexit, quyền truy cập này có thể bị giảm hoặc xóa bỏ hoàn toàn.
Đồng thời, quy trình hợp pháp để trẻ em đoàn tụ với các thân nhân ở Anh theo Chính sách tị nạn chung châu Âu (được gọi là Quy chế Dublin) sẽ bị xóa trong trường hợp Brexit không có thỏa thuận.
Các chuyên gia bảo vệ trẻ em cho biết, trong khi các cơ chế hiện tại đang cần cải thiện thì việc mất các tuyến đường hợp pháp, an toàn và giảm hợp tác thực thi pháp luật sau Brexit sẽ khiến nhiều đối tượng trẻ em gặp nguy hiểm. Những đứa trẻ đi du lịch một mình tới châu Âu trong nỗ lực đoàn tụ cùng người thân ở Anh sẽ là đối tượng dễ bị làm dụng tình dục và tội phạm nhất.
Trại cho người di cư ở Dunkirk, Pháp. (Ảnh: clearhaze)
Chuyên viên nghiên cứu chính sách cấp cao của Ecpat, tổ chức từ thiện chống buôn bán và lạm dụng trẻ em ở Anh, Laura Duran cho biết: “Cơ chế hợp tác giữa các nước châu Âu và Anh trong việc bảo vệ trẻ em di cư không hẳn hoàn hảo song cơ chế này thay vì cải thiện hơn sẽ có thể bị đảo ngược sau Brexit”. Laura Duran cũng cho rằng, sẽ có rất ít sáng kiến hoặc phương pháp để điều tra các hành vi vi phạm nhân quyền đối với trẻ em về mặt thực thi pháp luật.
Theo Laura Duran, việc mất tuyến đường đoàn tụ gia đình đến Anh theo Quy chế Dublin như hiện nay cùng với việc thiếu một tuyến đường hợp pháp cho trẻ em sẽ đẩy trẻ em vào tình thế nguy hiểm bởi vì chúng sẽ phải chấp nhận liều mạng trên hành trình mới để đoàn tụ với người thân ở Anh.
“Điều này sẽ khiến họ thực sự dễ bị tổn thương trước mọi hành vi bóc lột và lạm dụng trên đường đi như việc phải bán dâm ở Hy Lạp, tuyển dụng vào đường dây tội phạm để chi trả cho chuyến đi. Nguy cơ này có khả năng gia tăng đối với trẻ em sau Brexit”, Laura Duran nói.
Các tổ chức từ thiện đang hỗ trợ trẻ em không có người thân ở Calais cũng có những lo ngại như vậy. Do đó, họ đang khẩn trương giúp đỡ trẻ vị thành niên không có người đi kèm đủ điều kiện để có thể đoàn tụ với người thân ở Anh.
James Aldred, quản lý dự án tại Dịch vụ Thanh niên Tị nạn, hỗ trợ khoảng 100 trẻ em cô đơn ở Calais lo lắng: “Chúng tôi không có nhiều thời gian để nói với các bạn trẻ về điều này”. “Việc Anh rời khỏi Quy chế Dublin về cơ bản sẽ đánh dấu sự kết thúc của các con đường hợp pháp, an toàn. Hậu quả là rất lớn. Chúng tôi sợ rằng sẽ có nhiều trường hợp buôn người và tử vong hơn”, James Aldred nói.
James Aldred cũng nhấn mạnh rằng, trên thực tế việc thực thi cơ chế hợp pháp theo Quy chế Dublin cũng không phải là điều dễ dàng cho trẻ em bởi vì nó không tập trung cho đối tượng này. Do đó, để thuyết phục chúng thực hiện theo Quy chế Dublin thực sự rất khó khăn “chúng tin rằng lên xe tải sang Anh sẽ nhanh hơn”.
James Aldred quan ngại sâu sắc về hiểm họa khi trẻ em vượt qua eo biển Manche trên những chiếc xe tải hoặc thuyền với sự giúp đỡ của những kẻ buôn người để đến Anh bởi chúng thường không được bất kỳ cơ quan công quyền nào biết đến.
“Đáng sợ hơn là khi những đứa trẻ này vào Anh thì thường cũng không tốt hơn. Bởi chúng sẽ không còn được giám sát như ở đây, những đứa trẻ không tham gia các nhóm bảo vệ trẻ em và lên tiếng về sự hiện diện của bản thân sẽ tạo thêm điều kiện cho những kẻ muốn khai thác, bóc lột chúng”, James Aldred lo ngại.
Beth Garinder-Smith, Giám đốc điều hành tổ chức từ thiện Safe Passage, nói rằng nếu các bộ trưởng không có hành động khẩn cấp để đảm bảo quyền cho trẻ em đoàn tụ cùng gia đình ở Anh thì hàng trăm trẻ em có thể bị mắc kẹt ở châu Âu và gặp rủi ro chết người khi vượt biên.
“Khi các tuyến đường an toàn và hợp pháp không có sẵn, các hành trình nguy hiểm thường là lựa chọn duy nhất. Chính phủ phải hành động ngay để giúp đoàn tụ gia đình dù có bất cứ điều xảy ra sau Brexit", Beth Garinder-Smith nói.
Về vấn đề này, Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Anh cho biết: “Thỏa thuận hoặc không có thỏa thuận Brexit, hợp tác giữa Anh và EU về tị nạn sẽ tiếp tục vì đó là lợi ích của Anh và EU. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã thực hiện bước đi chủ động, làm rõ với Ủy ban châu Âu để đàm phán một cơ chế thay thế cho những đứa trẻ đoàn tụ với các thành viên gia đình ở Anh sau khi Anh rời khỏi Quy chế Dublin”.
Theo các tổ chức từ thiện, các băng đảng tội phạm, thường lập "sào huyệt" trong những khu trại của người di cư tại Calais và các cảng khác, kiếm lợi từ sự tuyệt vọng của người tị nạn bằng cách dụ họ lên xe tải vào Anh. Trong trường hợp trẻ em không thể trả tiền, chúng cho “ghi nợ”, có thể được thanh toán bằng các hình thức lao động sau khi đến Anh.