Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hai ca bệnh cực kỳ hy hữu: Nhập viện cấp cứu vì bị uốn ván do gà mổ, lợn cào

Hai người đàn ông, 1 bị gà mổ vào đầu gối, 1 bị lợn cào xước chân… nhưng rồi bị uốn ván, nguy hiểm đến tính mạng và đã phải chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị.

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp bị gà mổ chuyển đến từ tuyến dưới trong tình trạng co cứng, co giật toàn thân phải mở khí quản, thở máy và hổi sức tích cực. Bệnh nhân là ông N.V.M 48 tuổi ở Hải Dương.

Theo gia đình ông M. cho biết, ông M. bị gà mổ vào đầu gối, vết thương rất nhỏ nên tự liền sau vài ngày. Tuy nhiên, sau 1 tuần, ông M xuất hiện cứng hàm tăng dần. Vào bệnh viện tỉnh Hải Dương, ông M xuất hiện co cứng toàn thân, có nhiều cơn co giật, được chẩn đoán uốn ván.

Ngay sau đó, ông M được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị vào ngày 29/9.

Một ca bệnh hy hữu khác là trường hợp của bệnh nhân L.V.N, 47 tuổi ở Bắc Ninh được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương  vào ngày 2/10 vì  bị uốn ván do vết xước lợn cào vào chân trong tình trạng co cứng, co giật toàn thân, phải mổ mở khí quản thở máy, dùng thuốc chống co giật liều cao.

Trước đó ông L.V.N. vào chuồng chăm lợn, bị lợn nhảy lên đạp vào chân gây xước da nhỏ. Vết thương nhiễm trùng sưng nề, chảy mủ vài ngày rồi tự lành sẹo.

Tuy nhiên, khoảng 10 ngày sau, ông N. bỗng xuất hiện cứng hàm, tiến triển tăng dần thành co cứng toàn thân, co giật.  Ngay sau đó, gia đình đã đưa ông N vào bệnh viện tỉnh. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán ông N. bị uốn ván và chuyển ông đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Hiện 2 bệnh nhân này đang được theo dõi, điều trị tích cực tại bệnh viện.

 Các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên chủ quan với các vết thương nhỏ.

“Đây là hai ca bệnh cực kỳ hy hữu bởi đa số bệnh nhân uốn ván là do các vết thương do tai nạn, lao động hoặc dẫm phải đinh, cành cây củi mục chứ gà mổ hay lợn đạp bị uốn ván không có”- ThS. BS Nguyễn Trung Cấp nói.

Theo ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, thông thường những trường hợp bị dị vật như gai nhọn, mảnh thủy tinh, dằm, kim loại... đâm vào tay, chân nhiều người thường chủ quan vì nghĩ đó là vết thương nhỏ, không nghiêm trọng. Tuy nhiên, những vết thương tưởng chừng như nhỏ, không gây nguy hiểm đó lại có thể gây nguy hại… nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời.

“Nhiều người thường cho rằng chỉ khi giẫm phải đinh sắt, kim loại gỉ mới bị uốn ván, nhưng thực tế những vết thương dù chỉ bị trầy xước nhỏ cũng dễ gây ra tình trạng này, bởi vi khuẩn uốn ván dễ dàng xâm nhập vào các vết thương hở dù chỉ là vết trầy xước nhỏ.

Chúng phát triển ở điều kiện yếm khí (vết thương bị dập nát dính bẩn, không có không khí, vết thương bị băng bó chặt...). Sau đó, sẽ xâm nhập vào cơ thể, đi vào hệ thần kinh và gây ra co cứng cơ hoặc co giật cơ khi có kích thích, rất nguy hiểm”- Ths. BS Nguyễn Trung Cấp nói.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo khi không may bị vật nhọn đâm vào người, hay bị cào xước như các bệnh nhân trên, sau khi xử lý vết thương, người dân nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để tiêm uốn ván để đề phòng bị mắc uốn ván…

Video: Đến phòng tập gym cùng bạn gái, bị nhân viên dùng bình cứu hỏa đánh vỡ đầu

 

Nguồn: Sức khỏe đời sống

Tin mới