Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

HAGL, VPF cần ra tòa phán xử, ai thắng cũng có lợi cho bóng đá Việt Nam

(VTC News) -

Nếu không tìm được phương án hài hòa quyền lợi, HAGL và VPF cần cơ quan có thẩm quyền giải quyết để phân định đúng sai.

Mâu thuẫn về khai thác tài trợ giữa VPF và HAGL hoàn toàn có thể trở thành một động lực tốt cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Nhưng, để điều đó xảy ra, vụ việc này cần có sự phán xử của cơ quan có thẩm quyền để phân định rõ đúng, sai. HAGL không tham dự V-League có lẽ không tác động đến bóng đá Việt Nam nhiều bằng việc đội bóng này cùng VPF ra tòa giải quyết vướng mắc.

Phán quyết dựa trên pháp luật là cơ sở vững chắc nhất để VPF trả lời những câu hỏi xoay quanh vụ việc này và cả những vấn đề tương tự, có liên quan trong tương lai. HAGL, VPF làm như vậy là đúng hay sai? Trong trường hợp HAGL phải bỏ giải, điều đó có công bằng và hợp lệ, hợp pháp hay không? Chỉ có cách dùng đến luật pháp mới có thể đưa ra được đáp án.

HAGL có thể kiện VPF để giải quyết mâu thuẫn về khai thác tài trợ.

"VPF không cấm HAGL ký hợp đồng với đối tác, chỉ yêu cầu không khai thác ngành hàng nước tăng lực. Điều này được quy định rõ trong điều lệ. Hợp đồng của VPF với nhà tài trợ có thời hạn đến hết năm 2024. Chúng tôi tôn trọng hợp đồng và điều khoản đã ký với nhà tài trợ", Tổng giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ. 

Đến thời điểm này, trong tất cả các phản hồi liên quan đến mâu thuẫn quyền lợi với HAGL, VPF khẳng định đang làm theo điều lệ. Bằng công văn thứ hai gửi đến HAGL để nhắc lại đề nghị đầu tiên, VPF thể hiện rõ quan điểm cứng rắn và cư xử theo luật lệ. Đó là luật chơi được các bên thống nhất, trong đó có HAGL.

Trong trường hợp HAGL đưa vụ việc ra tòa, VPF cũng cần kiên trì với quan điểm này. Quy chế, điều lệ có thể có những điểm bất cập, nhưng tinh thần tuân thủ luật chơi là điều cần được đề cao đầu tiên. Mặt khác, cũng không thể tính chuyện sửa điều lệ khi chưa có phán quyết của tòa án làm cơ sở để nói rằng những quy định trong đó là sai. Chưa kể việc đó cũng tạo ra tiền lệ xấu, tạo khe hở để có thêm những trường hợp vi phạm trong tương lai.

Nhìn chung, VPF phải kiên quyết làm rõ đúng sai và minh bạch vấn đề trong tranh chấp quyền lợi với HAGL, đó cũng là bảo vệ quyền lợi chính đáng của những đội bóng khác, vốn đang tuân thủ quy định giải. 

VPF phải kiên quyết làm rõ đúng sai và minh bạch vấn đề trong tranh chấp quyền lợi với HAGL, đó cũng là bảo vệ quyền lợi chính đáng của những đội bóng khác, vốn đang tuân thủ quy định giải.

Còn về phía HAGL, khi đã chỉ ra rằng quy định, điều lệ của giải đấu có điểm bất hợp lý, đội bóng này cần có trách nhiệm trong việc thúc đẩy sự điều chỉnh, sửa chữa.

Đến đây, cần nhớ rằng HAGL cũng là một cổ đông của VPF và góp phần thông qua các điều lệ, quy chế có điểm bất cập. Do đó, việc giải quyết bằng pháp luật là hành động thể hiện trách nhiệm của đội bóng phố núi, trước tiên là với chính họ và sau đó là với giải đấu, với bóng đá Việt Nam.

Tổng giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc nhấn mạnh đơn vị này tuân thủ điều lệ đã ban hành trước V-League 2023.

Nhắc đến trách nhiệm với chính bản thân đội bóng, phản ứng cách đây vài ngay của HAGL có lẽ không cho thấy điều đó. Đặt trong bối cảnh HAGL sẵn sàng đưa vụ việc ra tòa, việc nhấn mạnh vào chuyện bỏ giải - bằng một văn bản - không phải một nước cờ hay. Bầu Đức giải thích rằng HAGL không dọa bỏ giải, nhưng thông báo mà đội bóng phố núi gửi đến VPF trong bối cảnh hiện tại khiến dư luận nghĩ như vậy.

Khi VPF - ở vị trí của những người ban hành luật chơi và bảo đảm thực hiện điều đó - đã khẳng định quan điểm trên góc độ quy định, quy chế đã được các bên, trong đó có chính HAGL chấp thuận, việc đội bóng phố núi có dự V-League hay không phụ thuộc vào sự đàm phán giữa họ và đối tác.

Việc HAGL "kêu" với VPF về nguy cơ phải bỏ giải không có giá trị gì mà ngược lại, tạo ra cảm giác về sự buông xuôi, thiếu trách nhiệm và bất công với các thành viên của chính đội bóng này.

Thứ nhất, nếu HAGL bỏ giải, công sức xây dựng đội bóng trong hơn 2 thập kỷ của bầu Đức cùng các cộng sự sẽ "đổ sông đổ biển". Thương hiệu HAGL không thuộc về riêng cá nhân nào (dù bầu Đức là người đầu tư chủ lực), mà là thành quả nỗ lực của cả tập thể, bao gồm chủ tịch, ban lãnh đạo, ban điều hành, HLV, cầu thủ và cả người hâm mộ. 

Thương hiệu HAGL đã đồng hành cùng bóng đá Việt Nam qua nhiều thăng trầm và ghi dấu trong lòng khán giả. Nếu bỏ giải, đồng nghĩa xóa bỏ thành quả này và đối diện tương lai mù mịt cho CLB.

Thứ hai, trong trường hợp HAGL bỏ giải, các cầu thủ của đội bóng phố Núi sẽ đi về đâu? Trong bối cảnh giải đấu chỉ còn 3 ngày, không dễ để toàn bộ cầu thủ HAGL tìm được bến đỗ mới. Sự xáo trộn về đội bóng ngay trước ngày giải đấu khởi tranh có nguy cơ xáo trộn về tương lai, trong bối cảnh các cầu thủ trẻ cần sự ổn định để phát triển sự nghiệp.

Các cầu thủ trẻ HAGL đi về đâu nếu đội bóng bỏ V-League? 

Nếu HAGL bỏ giải, V-League 2023 sẽ gặp xáo trộn về lịch thi đấu, trình tự lên xuống hạng,... Nhìn chung, đây là biến cố ảnh hưởng đến hình ảnh giải đấu, vô hình trung tác động đến quyền lợi của các đội dự giải, không riêng HAGL. Đương nhiên VPF không muốn điều đó, nhưng nếu là sự việc bất khả kháng thì cũng chỉ như một nỗi đau thoáng qua trong ngắn hạn, giống như những trường hợp bỏ giải trước đây.

Lịch sử bóng đá Việt Nam ghi nhận hầu hết các đội tuyên bố bỏ giải như Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành, Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội ACB, Ninh Bình... đều trở thành quên lãng. Nhưng V-League thì vẫn diễn ra và người hâm mộ nhanh chóng có những mối quan tâm khác từ giải đấu.

Trong khi đó, nếu HAGL cùng VPF giải quyết đến cùng bằng luật pháp, thay vì chỉ dừng lại ở câu chuyện bỏ giải hay không bỏ giải, đội bóng phố núi sẽ tác động mạnh hơn và có thêm một dấu ấn nổi bật trong sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Rắc rối giữa HAGL và VPF hoàn toàn có thể trở thành bàn đạp dẫn tới sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Hồng Nam - Minh Anh

Tin mới