Cuối cùng lãnh đạo Hà Nội cũng đồng ý cho mở lại 2 đường bay Hà Nội - TP.HCM và Hà Nội - Đà Nẵng. Mà có vẻ như không đồng ý cũng không được, vì bắt đầu từ ngày 10/10, Chính phủ quyết định cho mở lại các đường bay trong cả nước để thí điểm.
Quyết định của Chính phủ là cần thiết bởi vì việc phong tỏa cứng giao thông công cộng để phòng chống dịch đã làm phát sinh rất nhiều các vấn đề về kinh tế và xã hội. Không ít trong số các vấn đề này đang trở nên to lớn và nghiêm trọng thậm chí hơn cả vấn đề dịch bệnh.
Hà Nội chần chừ trong việc mở cửa sân bay không phải là để gây khó cho ai cả, mà chỉ là để bảo vệ các thành quả chống dịch ấn tượng của mình.
Hà Nội dự kiến tạm thời thống nhất giai đoạn 1 mở 2 đường bay (Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng) với tần suất 1 chuyến khứ hồi/ngày trong 10 ngày đầu, từ ngày 10/10.
Mở cửa sân bay thì hàng chục nghìn người sẽ về Hà Nội, mà như vậy thì làm sao tránh được sự lây lan của dịch bệnh? Sự lo lắng của lãnh đạo Hà Nội là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, vấn đề là với tỷ lệ tiêm chủng cao như Hà Nội, thì sự lây lan của COVID-19 không còn là vấn đề quá nghiêm trọng nữa.
Chỉ cần đổi mới tư duy một chút, chúng ta sẽ thấy về cơ bản Hà Nội sẽ ổn. Theo số liệu của Singapore và một số nước khác, 98% những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine bị nhiễm COVID-19 thì đều có thể tự nhiễm, tự khỏi. Chỉ 2% những người bị nhiễm sẽ phát bệnh là một tỷ lệ rất thấp. Với một tỷ lệ phát bệnh thấp như vậy, thì hệ thống y tế sẽ không bị quá tải. Mà hệ thống y tế không bị quá tải, thì những người phát bệnh có thể được chữa trị như bất kỳ bị một loại bệnh nào khác.
Trong 2% số người phải điều trị này, nếu tỷ lệ tử vong lên cao đến 4-5%, thì đó vẫn là một trong những tỷ lệ thấp nhất so với các loại bệnh khác.
Để dễ cảm nhận hơn, chỉ trong năm 2020, nước ta có đến gần 123.000 người tử vong vì ung thư. Trong lúc đó, tổng số người tử vong vì COVID-19 trong gần hai năm 2020 và 2021 vẫn chưa đến 20.000 - chưa bằng 1/6 số người chết vì ung thư!
Tại sao chúng ta không hoảng loạn vì ung thư, mà lại hoảng loạn vì COVID-19 như vậy nhỉ?
Nguyen-Si-Dung.jpg
Nếu Hà Nội để cho những người tự nhiễm, tự khỏi được sống và làm việc bình thường, thì mọi việc sẽ ổn.
Từ những phân tích trên, nếu Hà Nội để cho những người tự nhiễm, tự khỏi được sống và làm việc bình thường, thì mọi việc sẽ ổn. Nếu Hà Nội coi họ là những bệnh nhân và áp đặt việc chữa trị cưỡng bức thì mọi việc sẽ trở nên nghiêm trọng.
Trước hết, những người tự nhiễm, tự khỏi là những người khỏe mạnh. Điều trị những người khỏe mạnh giống như tháo dỡ chiếc tivi không hỏng ra mà sửa. Lợi ích thì chẳng thấy đâu, nhưng rủi ro làm hỏng tivi thì luôn luôn hiện hữu. Kinh nghiệm của TP.HCM cho chúng ta thấy rất rõ điều này.
Thứ hai, tập trung điều trị cưỡng bức, thì các cơ sở y tế của Hà Nội sẽ bị quá tải. Không chỉ những người phát bệnh vì COVID-19, mà còn cả những người phát bệnh vì nhiều loại bệnh khác bị tước mất cơ hội được chữa trị.
Thứ ba, những khoản chi phí khổng lồ, nhưng không phải là có ích sẽ phát sinh cả cho Nhà nước, lẫn cho người dân.
Nếu việc bị lây nhiễm không còn là vấn đề đối với những người đã được tiêm chủng, thì việc họ gây lây nhiễm có phải là vấn đề không? Từ thực tế, những người đã tiêm chủng vaccine đầy đủ vẫn bị nhiễm COVID-19 chúng ta có thể suy đoán rằng họ vẫn có thể làm lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một suy đoán. Suy đoán này, cũng như xác suất của sự lây lan vẫn cần phải được củng cố bằng số liệu.
Một điều chắc chắn là kháng thể của những người đã được tiêm chủng sẽ không cho phép virus nhân lên nhanh chóng và phát tán nhiều như ở những người chưa tiêm chủng. Quan trọng là chúng ta cần phải nhanh chóng thu thập dữ liệu về sự lây lan từ những người đã tiêm chủng đầy đủ để ứng xử cho phù hợp.
Tuy nhiên, cách ly những người này như những người chưa tiêm chủng quả thật là bất hợp lý. Sự bất hợp lý còn nằm ở chỗ đối với một địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao như Hà Nội, sự lây lan COVID-19 không còn là một vấn đề quá lớn. Trong lúc đó, sự ách tắc giao lưu có thể gây ra những thiệt hại không hề nhỏ về kinh tế, xã hội và trở thành một vấn đề lớn hơn rất nhiều.
Tóm lại, Hà Nội sẽ ổn, nếu mạnh dạn đổi mới tư duy và mở cửa để đón nhận cuộc sống bình thường mới đầy tươi đẹp đang đến. Quan trọng là khống chế tỷ lệ phát bệnh (chứ không phải là tỷ lệ lây nhiễm), không vượt quá năng lực của ngành y tế. Mà năng lực ngành y tế của Hà Nội thì cao hơn so với bất kỳ địa phương nào khác trong cả nước.