Tại chương trình Bộ trưởng GD&ĐT gặp gỡ giáo viên diễn ra sáng nay (15/8), có nhiều ý kiến đưa ra liên quan đến vấn đề lương và phụ cấp của thầy cô.
Cô Lý Thị Trinh Nguyên, giáo viên trường Mẫu giáo Họa Mi (thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) bày tỏ, so với hiện tại, chế độ lương và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non vẫn còn thấp so với các ngành nghề khác.
Cô Lý Thị Trinh Nguyên (tỉnh Hậu Giang) đề xuất kiến nghị tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non.
Dù có quy định thời gian làm việc là 40 giờ/tuần nhưng thực tế giáo viên mầm non làm việc gần như gấp đôi. Mỗi ngày làm việc, giáo viên có mặt tại trường từ 6h30 đến 17h hoặc thậm chí 18h chiều, khi phụ huynh đón trẻ xong mới xem như kết thúc ngày làm việc. Buổi trưa, các cô còn phải trông trẻ ăn, chăm trẻ ngủ, tranh thủ làm đồ dùng dạy học.
Có thể thấy, trung bình mỗi ngày giáo viên mầm non làm việc từ 10 - 12 giờ. Đa số giáo viên gần như kiệt sức khi trở về nhà, khó làm tròn trách nhiệm chăm lo đầy đủ cho gia đình.
Mặt khác công việc của giáo viên mầm non mang tính chất rất đặc thù. Đó là vừa nuôi vừa dạy, đảm bảo tất cả các trẻ đều phải phát triển, đồng thời tập trung chú ý, chăm sóc từng cháu nên áp lực lại càng cao. Giáo viên mầm non cũng là người phải xử lý trực tiếp những tình huống hay gặp của trẻ nhỏ như quấy phá, lười ăn, những dấu hiệu của bệnh tự kỷ...
"Các cô giáo mầm non đóng rất nhiều vai, là một chuyên gia về dinh dưỡng, chuyên gia về can thiệp sớm, chuyên gia về tư vấn tâm lý", cô Nguyên nói.
Ngoài ra, vị trí việc làm của giáo viên mầm non cũng gặp nhiều nguy cơ và rủi ro. Làm việc trong môi trường có nhiều trẻ nhỏ, giáo viên phải chấp nhận việc mình thường xuyên mắc bệnh như cảm sốt và có thể lây truyền cho người thân trong gia đình. Đồng thời, cũng có trường hợp phụ huynh nóng tính có thể có những hành động xúc phạm thể chất và tinh thần đối với giáo viên mầm non.
"Công việc của giáo viên mầm non vất vả, nhiều áp lực nhưng với mức ưu đãi 35% theo nghề như hiện nay rất thấp so với công sức các cô bỏ ra, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống", cô Nguyên đánh giá và nêu thực tế vừa qua có rất nhiều giáo viên không bám trụ được với nghề, bỏ việc hoặc chuyển sang ngành nghề khác.
Nữ giáo viên đề xuất kiến nghị sớm tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 70% giống như các trường chuyên biệt để thu hút được đội ngũ tham gia giáo dục mầm non, đồng thời, các cô cũng an tâm cống hiến cho nghề.
Tương tự, cô Dương Thị Thanh Hồng, giáo viên trường Mầm non số 1 (thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), cũng băn khoăn về vấn đề xếp lương đối với giáo viên mầm non.
Cô Hồng bày tỏ, theo như quy định sau khi chuyển lương mới thì hệ số của giáo viên mầm non hạng 2 chỉ bằng hệ số lương của giáo viên tiểu học hạng 3. "Bản thân tôi là một ví dụ, hiện lương tôi là bậc 5 nhưng hệ số lương của tôi là 3,65, còn lương bậc 5 của giáo viên tiểu học hạng 2 lại có hệ số là 5,36. Như vậy bậc lương giữa hai cấp học quá chênh lệch", nữ giáo viên bày tỏ.
Cô Hồng cũng khẳng định, mỗi bậc học đều có những vai trò, khó khăn riêng. "Chúng tôi cũng được đào tạo bài bản, trình độ cao đẳng, đại học", cô nói và cho biết, công việc của giáo viên mầm non rất đặc thù và vất vả. Ngoài thời gian quy định, các cô phải trông thêm buổi trưa, ngoài giờ, đồng thời luôn phải đối mặt với rủi ro về đảm bảo an toàn cho các cháu.
Chia sẻ với vấn đề lương, phụ cấp của giáo viên, Bộ trưởng nhấn mạnh, Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo có nêu tiền lương giáo viên phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
"Mong muốn là vậy, nhưng con đường để hiện thực hóa còn nhiều việc phải làm", ông Sơn nói.
Hiện Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học.
Bước đầu, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ… Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học.