Bộ GD&ĐT gửi văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội cần xem xét để giáo viên mầm non có ít nhất 15 năm công tác được nghỉ hưu sớm hơn (tối đa 5 năm).
"Giáo viên mầm non phải chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Đây là độ tuổi đòi hỏi người chăm sóc, giáo dục phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để đảm bảo an toàn cho trẻ em. Do vậy, trong hoạt động nghề nghiệp, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực, gây ức chế tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần”, Bộ GD&ĐT lý giải kiến nghị.
Đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non. (Ảnh minh hoạ: T.N)
Bộ GD&ĐT cũng nêu những vất vả với giáo viên mầm non phải có mặt ở trường từ sáng sớm để đón trẻ và về nhà muộn. Trong suốt buổi học, giáo viên phải múa, hát, thể dục, chăm sóc trẻ em hiếu động... nên sức khỏe thầy cô phải tốt, phản xạ nhanh.
Mặt khác, khi giáo viên tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm, không còn nhanh nhẹn để bảo đảm được chất lượng chăm sóc, giáo dục, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non. Do đó, việc đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với quy định là hoàn toàn hợp lý.
Nếu đề nghị của Bộ GD&ĐT được thông qua, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non sẽ là 55 tuổi với nữ và 57 tuổi với nam.
Đầu năm 2023, cử tri các tỉnh Bình Định, Lào Cai cũng gửi kiến nghị tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non ít nhất 5 năm so với quy định.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, giáo viên mầm non là nghề đặc thù nên khi không còn đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe, chuyên môn (dù chưa hết tuổi lao động, đủ điều kiện hưởng hưu trí) thì giáo viên được hỗ trợ đào tạo sang nghề khác nếu có nhu cầu hoặc nghỉ hưu sớm.
Bộ sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá thêm các yếu tố đặc trưng về điều kiện lao động của nghề giáo viên mầm non.