Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cô giáo mầm non viết đơn xin gắn bó lâu dài với vùng khó khăn

(VTC News) -

"Bám điểm trường vừa là trách nhiệm của nhà giáo vừa là sự chia sẻ chia sẻ với đồng nghiệp, với học sinh nghèo", cô Tâm chia sẻ.

Ngày 20/11 năm nay, với cô giáo cắm bản Phạm Thị Tâm, giáo viên trường mầm non Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) là ngày lễ đặc biệt, bởi lâu lắm cô mới được trở lại Hà Nội trong tâm thế của một trong 400 nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc được Bộ GD&ĐT tuyên dương nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Viết đơn xin gắn bó lâu dài với vùng khó khăn

Kể lại hành trình trở thành giáo viên mầm non, cô Tâm cho biết, năm 2000, cô từ quê Thái Bình theo anh trai vào Phú Yên sinh sống. Khi đó, cô nữ sinh vừa tốt nghiệp THPT quyết định đăng ký thi tuyển sinh vào trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Phú Yên và đạt điểm thủ khoa ngành Văn-Sử. Học giữa chừng cô buộc phải bỏ dở vì theo quy định của địa phương, sinh viên theo học trường Cao đẳng sư phạm phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương 3 năm trở lên.   

Không từ bỏ ước mơ nghề giáo, cô Phạm Thị Tâm quay trở lại vạch xuất phát và thi tuyển sinh vào trường Cao đẳng sư phạm mầm non Trung ương 2 Nha Trang.

“Sau khi ra trường, tôi được phân công công tác ở vùng thuận lợi của huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Đến năm 2018, để chia sẻ khó khăn với giáo viên ở những vùng khó khăn trong huyện, tôi được tăng cường đến Trường Mầm non Phú Mỡ - ngôi trường thuộc xã vùng cao khó khăn nhất tỉnh Phú Yên”, cô Tâm nói. 

Cô Phạm Thị Tâm tại điểm trường thôn Phú Đồng - Trường mầm non Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

Theo quy định của địa phương, giáo viên luân phiên đi tăng cường tại các trường có điều kiện khó khăn chỉ trong một năm là sẽ trở lại trường cũ. Nhưng sau thời hạn một năm, cô Tâm quyết định viết đơn xin gắn bó lâu dài tại Trường Mầm non Phú Mỡ. 5 năm gắn bó với học sinh miền núi cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất nhưng cũng hạnh phúc nhất trong cuộc đời nghề giáo của cô Phạm Thị Tâm.

“Học sinh của tôi 100% là con em đồng bào Ba Na, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố mẹ chủ yếu làm nương rẫy, phong tục còn lạc hậu. Đặc biệt, đường đến trường rất nguy hiểm, đường núi dốc cao, mùa mưa xe máy phải trang bị thêm bánh xích vào bánh xe thì mới đi được. Khi đến đây dạy học tôi càng thấu hiểu sự vất vả của những giáo viên từng dạy nơi đây”, cô Tâm chia sẻ.

Dù một tuần hay nửa tháng mới được về thăm nhà một lần, dù nhiều lần bị ngã do đường núi trơn trượt, dù cuộc sống còn thiếu thốn nhưng cô Tâm nói, bản thân vẫn yêu đời, yêu người và yêu nghề. 

"Khi chấp nhận về dạy ở đây là một sự “dấn thân”, không ngại phải đối mặt với khó khăn về điều kiện ăn ở, sinh hoạt… Điện thì hay lệch pha, cắt cúp thường xuyên, mạng Internet chưa được phủ nhưng việc mình đến đây công tác không chỉ là trách nhiệm của một nhà giáo mà còn là sự chia sẻ với ngành, chia sẻ với đồng nghiệp và học sinh nơi đây", cô Tâm nói. 

Cô Phạm Thị Tâm vượt suối đến thôn Phú Đồng dạy học.

Khi mới lên xã vùng cao Phú Mỡ, tiếp xúc gần gũi với bà con, tận mắt chứng kiến nhiều gia đình khó khăn, thiếu thốn, cô bắt tay vào vận động kết nối nhà hảo tâm giúp các cụ già neo đơn, những người bệnh tật, sau đó bày cho những người khỏe mạnh cách làm ăn, chi tiêu tiết kiệm hợp lý hơn. Nhờ vậy, cuộc sống của bà con đã có nhiều chuyển biến và no đủ hơn.

“5 năm nay, cứ mỗi dịp tôi từ quê trở lại điểm trường thì đều mang theo những món quà từ thiện mà mình huy động được từ các nhà hảo tâm gửi tới cho học trò của mình. Có lúc là chiếc xe đạp, bộ quần áo cũ, sách vở, balo hoặc những phần học bổng cho học sinh”, cô giáo mầm non Phạm Thị Tâm chia sẻ. 

Năm năm nay cô giáo Phạm Thị Tâm đã gom hơn 300 trăm bao đồ ủng hộ bà con và trẻ em nghèo nơi mình sinh sống, xin tài trợ 50 xe đạp cho học sinh nghèo, trao tặng rất nhiều đồ dùng, sách vở, giày dép, học bổng cho học sinh từ mẫu giáo tới cấp 2, trao tặng tiền mặt, nhu yếu phẩm cho các hộ nghèo trị giá hơn một tỉ đồng... kết nối tài trợ hệ thống điện năng lượng mặt trời, kéo nước từ núi xa xuống bản.

Mới đây, cô Tâm đã mở được hai thư viện tự quản cho trường tiểu học Phú Mỡ và trường phổ thông dân tộc bán trú Đinh Núp. Dù theo chia sẻ của cô, việc mở được hai thư viện trường học này không phải là điều gì quá lớn lao nhưng sẽ góp phần nâng cao văn hóa đọc trong trường học, giúp học sinh nâng cao hiểu biết.

Thêm nghề tay trái để "nuôi" và "giữ" nghề giáo

Chia sẻ về nghề giáo viên mầm non, cô giáo Phạm Thị Tâm cho biết, hình dung trước đây của cô về nghề chỉ đơn giản là múa hát, vui chơi cùng trẻ. Nhưng khi thực sự bước chân vào nghề, cô thực sự “sốc” trước những áp lực mà một giáo viên mầm non phải đối mặt hàng ngày. Đó không chỉ là công việc sổ sách, giáo án, thi đua, lên lớp hàng ngày mà còn chăm sóc trẻ như một người mẹ.

“Ai có con cũng hiểu, chăm sóc một đứa con thôi cũng rất vất vả. Nhưng một giáo viên mầm non cắm bản như tôi thì phải chăm sóc, dạy dỗ các con từ bữa cơm đến giấc ngủ. Quá trình đến lớp, vì trẻ còn nhỏ nên các con thường trêu đùa, khóc lóc, đánh nhau. Tôi vẫn thường ví, giáo viên mầm non chúng tôi có lúc như một luật sư để phân giải, xử trí; một nghệ sĩ để dạy các em múa hát; một đầu bếp để nấu cho các con ăn; thậm chí là một bác sĩ để chữa bệnh cho các con”, cô Tâm nói.

Cô Phạm Thị Tâm cùng học trò của mình tại điểm trường thôn Phú Đồng, xã Phú Mỡ (Đồng Xuân, Phú Yên).

Nói về thu nhập từ nghề giáo, cô Tâm cho biết, với 17 năm trong nghề, mức lương mà cô được hưởng khoảng dưới 10 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này theo cô là chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt hàng ngày cùng chi phí xăng xe, điện thoại hàng tháng. Để có tích lũy và cải thiện cuộc sống, cô Tâm phải buôn bán thêm những đặc sản của địa phương như mật ong, gạo…

“Những đồng nghiệp của tôi cũng phải buôn bán thêm trái cây, đặc sản của địa phương, có thầy, có cô phải đi làm MC đám cưới, buôn bò, buôn xe máy… cứ nghề gì chân chính và có thể cải thiện thêm thu nhập thì giáo viên chúng tôi cũng phải làm. Muốn yêu nghề, tiếp tục gắn bó với nghề thì trước tiên cũng phải đảm bảo cuộc sống”, cô Tâm chia sẻ.

Để nâng cao trình độ, chuyên môn, hiện cô Phạm Thị Tâm đã có bằng thạc sĩ nhưng trớ trêu là đến nay cô vẫn chỉ hưởng lương trình độ Cao đẳng và rất khó chuyển sang giáo viên hạng 2 như các cấp học khác. Và đây là một trong những thiệt thòi của giáo viên mầm non.

"Tôi rất mong Đảng, Nhà nước quan tâm thêm cơ sở vật chất, điều kiện dạy học, cơ cấp lớp học và đặc biệt là chế độ đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên", cô Nguyễn Thị Tâm mong muốn. 

Bá Duy (VOV2)

Tin mới