Một ngày làm việc của cô giáo Chu Hồng Quyên, giáo viên trường Mầm non tư thục Vầng Trăng tuổi thơ (Thanh Xuân, Hà Nội) bắt đầu từ 5h30. 6h, cô đi xe máy từ nhà (ở Bắc Từ Liêm) đến trường. Ba năm nay, quãng đường dài 20km bất kể mưa hay nắng không làm cô giáo trẻ người gốc Hà Nội này nản chí. Vì yêu nghề, yêu trẻ nên khi mới ra trường, đi làm được 2-3 tháng thì phải nghỉ dịch 1 năm, cô vẫn kiên quyết chờ đợi và bám trụ với nghề.
Cô giáo Quyên chia sẻ, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát là khoảng thời gian vô cùng vất vả với cô, là sinh viên mới ra trường, không có bất cứ khoản thu nhập nào, cô phải chật vật xoay sở nhiều nghề để kiếm sống.
Đến nay, sau gần một năm đi làm trở lại, nhịp sống trở lại bình thường, nhưng cuộc sống của một giáo viên mầm non với mức lương khiêm tốn vẫn còn nhiều vất vả và không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Vốn chăm chỉ và khéo tay, sau khi đi làm về, buổi tối, Quyên còn tranh thủ dạy thêm 1 lớp cho học sinh tiền tiểu học, kết thúc buổi dạy, cô lại tỉ mỉ ngồi làm đồ handmade như đồ treo nôi cho em bé, túi xách bằng vải và bán online trên chợ mạng. Công việc của cô thường kết thúc vào lúc 12h đêm.
Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vì yêu nghề, yêu trẻ nên các cô giáo mầm non vẫn nỗ lực bám trụ với nghề.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Quyên chỉ mong có thêm thu nhập và cuộc sống của hai vợ chồng trẻ sẽ được cải thiện tốt hơn.
“Với mức lương hiện tại của giáo viên mầm non, nếu có thêm đứa con thì không thể đủ sống. Là một giáo viên trẻ, chưa có con, ngoài đi dạy học, tôi còn tranh thủ làm các mặt hàng handmade và bán online. Phải làm thêm như vậy thì mới có đủ thu nhập để duy trì cuộc sống và lo cho tương lai con cái sau này”, cô giáo Quyên tâm sự.
Mức lương thấp, công việc áp lực, nơi làm xa nhà,… tất cả những khó khăn ấy đã không thể khiến cô giáo trẻ chùn bước và rời xa nghề nuôi dạy trẻ, bởi tình yêu nghề, yêu trẻ trong cô quá lớn.
Cô mong muốn, Nhà nước sẽ có mức lương xứng đáng và chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm non để tiếp thêm sức mạnh giúp họ thêm yêu nghề, gắn bó với nghề và yên tâm công tác.
Những khó khăn của dịch bệnh đã qua đi, nhưng dư âm của nó thì vẫn đọng lại trong ký ức nhiều người. Nhớ lại quãng thời gian vất vả đó, cô giáo Bàn Thị Bình, giáo viên trường Mầm non Phương Nga Kidmoon chia sẻ, trong thời gian nghỉ dịch, không có việc làm, không có thu nhập, cô đã về quê và làm các công việc khác như bán hàng online, làm công nhân. Sau khi hết dịch, cô đi dạy học trở lại.
Hiện tại, với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng, phải tằn tiện lắm mới đủ tiền thuê nhà và trang trải cuộc sống hàng ngày. Đôi khi cô cũng nản lòng và muốn tìm một công việc khác có thu nhập cao hơn, thế nhưng được sự động viên của lãnh đạo trường, cùng với một số chính sách ưu đãi dành cho giáo viên như miễn phí 100% tiền học cho con, tăng lương, thưởng và quan tâm đến đời sống tinh thần của giáo viên, cô đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn để gắn bó với công việc.
“Vợ chồng tôi chưa có điều kiện mua nhà, vẫn phải ở nhà thuê, với mức lương của 2 vợ chồng khoảng hơn 10 triệu đồng, dù không dư dả nhưng vì yêu nghề dạy học nên tôi vẫn quyết tâm gắn bó với nghề lâu dài”, cô giáo Bàn Thị Bình chia sẻ.
Các cô giáo mầm non mong muốn, Nhà nước sẽ có mức lương xứng đáng và chế độ đãi ngộ để tiếp thêm sức mạnh giúp họ thêm yêu nghề, gắn bó với nghề và yên tâm công tác.
Mầm non hiện là cấp học khó khăn nhất hiện nay, công việc của giáo viên nhiều áp lực, thời gian làm việc liên tục từ 9 - 10 tiếng/ngày, trong khi thu nhập chưa tương xứng. Phần lớn giáo viên của trường tuổi đời còn trẻ, thu nhập chưa cao, lại ở xa nơi làm việc, nhưng hầu hết các cô đều rất tận tâm và yêu nghề.
Bà Chu Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội giáo viên Mầm non Tư thục Thành phố Hà Nội kiêm Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Vầng Trăng Tuổi thơ cho biết, một năm dịch bệnh đã qua đi, điều mừng nhất là các cô giáo đã được quay trở lại làm việc, những ngày đầu tiên đến trường, ai cũng rất phấn khởi vì 90% học sinh đã quay trở lại trường học.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, những khó khăn đã bắt đầu lộ diện, do tình hình kinh tế suy giảm, nhiều gia đình đã xin chuyển con sang học ở trường công lập để bớt đi chi phí. Đến nay, lượng học sinh của trường đã giảm khoảng 60%. Cô Nga ngậm ngùi, chưa bao giờ ngày khai giảng lại vắng bóng học sinh đến thế. Phương Nga Kidmoon có 2 cơ sở, mỗi cơ sở hiện chỉ có gần 30 học sinh.
“Khi trường hoạt động trở lại có vô vàn khó khăn, với sĩ số học sinh ít như hiện nay thì hoạt động không hiệu quả. Học phí thu được cũng chỉ đủ chi trả tiền lương cho giáo viên, tiền điện, tiền nước. Để thu hút học sinh, phụ huynh học sinh, từ tháng 9 đến nay, nhà trường đã có động thái giảm học phí 1 triệu đồng/học sinh, đồng thời, cố gắng tổ chức các hoạt động như dã ngoại, tham quan, quảng bá các hoạt động của trường trên trang fanpage nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan”, bà Nga chia sẻ.
Video: Nhiều giáo viên mầm non tư thục chật vật bám nghề
Cũng theo bà Nga, để giữ chân giáo viên, nhà trường đã tìm rất nhiều phương án, trong đó, tìm hiểu xem các cô giáo đã và đang có những nỗ lực như thế nào, phải xem được năng lực thực tế của từng người để điều chỉnh mức lương phù hợp nhất. Cùng với đó là có các chế độ khen thưởng, bao hiểm xã hội… để khuyến khích giáo viên làm việc; nắm bắt và giải tỏa kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, nhất là với giáo viên trẻ, hoàn cảnh gia đình khó khăn để họ đồng lòng nỗ lực vượt qua giai đoạn trước mắt.
Thiếu hụt giáo viên, giáo viên xin nghỉ việc vì lương thấp, không đủ sống là thực trạng nhức nhối trong thời gian gần đây. Đại diện các trường mầm non tư thục mong muốn, Nhà nước, thành phố sớm biện pháp hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất, giúp giáo viên yên tâm với công việc. Đồng thời, có chính sách đặc thù để bảo đảm đời sống cho đội ngũ giáo viên, để các cô giáo mầm non có thể yên tâm và gắn bó với nghề lâu dài.