Khoản vay cứu trợ COVID-19 thuộc khuôn khổ Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP). Theo các công tố viên, Valesky Barosy, 27 tuổi ở Fort Lauderdale, Florida đã nộp đơn đăng ký vay hơn 4,2 triệu USD, bằng cách cung cấp các tài liệu giả về chi phí, lợi nhuận ròng, bảng lương và các biểu mẫu thuế của năm trước.
Cuối cùng, Barosy và đồng phạm nhận được khoảng một nửa số tiền đăng ký vay. Nhóm đã sử dụng số tiền này để mua một chiếc xe Lamborghini Huracan EVO, đồng hồ Rolex và Hublot, quần áo hàng hiệu của Louis Vuitton và Gucci.
(Ảnh minh họa)
Barosy phải đối mặt với 5 cáo buộc gian lận, 3 cáo buộc rửa tiền và 1 cáo buộc trộm cắp danh tính. Nếu bị kết tội, bản án của người đàn ông này có thể lên tới 132 năm.
Kể từ khi Mỹ thành lập chương trình PPP trong đại dịch, vô số cá nhân trên khắp nước này đã bị buộc tội gian lận khi vay và tiêu tiền vào những món đồ xa hoa.
Hồi tháng 5, Mustafa Qadiri ở California bị buộc tội gian lận với khoản vay PPP trị giá 5 triệu USD. Theo nhà chức trách, Qadiri đã chi tiền cho những chiếc xe sang như Lamborghini cũng như các kỳ nghỉ.
Trước đó, rapper kiêm ngôi sao truyền hình thực tế Maurice Fayne bị kết án hơn 17 năm tù vào năm 2021 vì liên quan đến gian lận vay PPP. Các công tố viên cho biết Fayne đã sử dụng số tiền này để hỗ trợ nuôi con, mua đồ trang sức và bắt đầu một công việc kinh doanh mới.
Vào tháng 5/2021, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland đã thành lập Lực lượng Chuyên trách chống gian lận COVID-19 để chống lại hành vi gian lận liên quan đến các chính sách về đại dịch. Tiểu ban về nhà ở trong cuộc khủng hoảng COVID-19 của quốc hội Mỹ cũng mở rộng cuộc điều tra về gian lận PPP.
"Tôi vô cùng lo lắng trước các báo cáo rằng các bên cho vay sử dụng công nghệ tài chính (FinTech) và các đối tác ngân hàng đã không sàng lọc đầy đủ đơn xin vay PPP gian lận", Hạ nghị sĩ James Clyburn nhận định. "Thất bại này có thể dẫn đến việc các khoản vay PPP có FinTech hỗ trợ, trị giá hàng triệu USD, được dành cho các doanh nghiệp gian lận, không tồn tại hoặc không đủ điều kiện", Clyburn nói.