Video: Đầu bếp Hà Nội chế biến 600 suất ăn mỗi ngày gửi đến các y bác sĩ trong tâm dịch
Chương trình “Suất ăn yêu thương” được ra đời với sự hợp tác của Viện Dinh dưỡng quốc gia, Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội và Hội truyền thông thành phố Hà Nội. Trong giai đoạn đầu, chương trình sẽ tập trung cung cấp suất ăn cho vùng tâm dịch Bắc Giang và Bắc Ninh. Mục tiêu của chương trình là đạt được 10.000 suất ăn. Các suất ăn đầu tiên đã được “lên đường” đưa đến tận tay những y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang từ ngày 2/6.
Nơi chế biến là nhà bếp đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Nội. Toàn bộ thực phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ, được tư vấn xây dựng thực đơn bởi Viện Dinh dưỡng quốc gia.
Người tham gia chế biến suất ăn là những đầu bếp nổi tiếng của các khách sạn 5 sao, những nhà hàng cao cấp ở Hà Nội. Đầu bếp Phạm Tuấn Hải - Giám khảo Masterchef Vietnam là một trong những người trực tiếp tham gia cùng các đồng nghiệp chế biến các suất ăn gửi vào tâm dịch cho các y bác sĩ.
Giá thành của mỗi suất ăn được ước tính là 50.000 đồng. Toàn bộ nguyên liệu và các chi phí tối thiểu lấy từ nguồn tài trợ của các cá nhân và tổ chức làm thiện nguyện.
Trả lời VTC News, đầu bếp Phạm Tuấn Hải - Giám khảo Masterchef Vietnam cho biết: "Đầu tiên chúng tôi mong muốn là đồ ăn phải nhanh và ngon. Thứ hai là phải đảm bảo chất dinh dưỡng để các y bác sĩ sử dụng đồ ăn trong thời gian ngắn nhất, an toàn và vệ sinh nhất và đảm bảo lượng calo nhất".
Đầu bếp Trương Công Lệ - một trong những người khởi xướng chương trình "Suất ăn yêu thương" chia sẻ: "Dịch bệnh ảnh hưởng đến quá nhiều ngành, trong đó có ngành của chúng tôi. Vậy trong lúc nước sôi lửa bỏng như thế tại sao chúng ta không nghĩ đến việc gì đấy là sử dụng cơ sở vật chất để không của mình, để có thể hỗ trợ các y bác sĩ trong tâm dịch được một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và đàng hoàng hơn, giúp họ có thêm sức khỏe và tinh thần để đẩy lùi bệnh dịch".
"Chúng tôi đã thống nhất là nấu từ 600 đến 650 suất ăn/ngày cho 2 bệnh viện Đa khoa của tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Mỗi bệnh viện chúng tôi gửi hơn 300 suất ăn cho y bác sĩ ở đó", đầu bếp Trương Công Lệ cho biết thêm.
Chỉ trong một buổi chiều, những đầu bếp ở đây đã chiên xong 1.000 phần trứng và 1.000 phần bít tết. Mọi người cho biết đều mỏi hết cả tay và đứng rủn cả chân, nhưng họ đều cố gắng để hoàn thiện các suất ăn sớm nhất gửi đến các y bác sĩ trong vùng tâm dịch.
Sau khi đóng gói các suất ăn, những gia vị đi kèm như xì dầu, hay muối lạc... cũng được chia đều vào các hộp nhỏ phân theo từng suất.
"Các y bác sĩ gửi ảnh và phản hồi về cho chúng tôi về đồ ăn ngon và đầy đủ dinh dưỡng. Điều đó thật sự đáng mừng, chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa cho các suất ăn ngày càng ngon hơn. Tôi rất mong muốn các hội làm bếp cũng như các hội nhóm thiện nguyện khác cùng chung tay và tiếp lửa cho những y bác sĩ trong tâm dịch. Tuy nhiên cũng khuyến cáo các bạn nếu thực hiện hãy kết hợp với các cơ quan ban ngành về dinh dưỡng để giữ được an toàn trong thực phẩm, bởi vì đôi khi chúng ta làm không có người kiểm soát lại rất nguy hiểm", đầu bếp Phạm Tuấn Hải cho biết thêm.
Hàng tuần các suất ăn sẽ được thay đổi khẩu vị để cho các y bác sĩ không bị nhàm chán. Định lượng, lượng calo hay dưỡng chất trong đồ ăn do Viện Dinh dưỡng lên kế hoạch và giao cho các đầu bếp chế biến theo tiêu chuẩn.
Cũng theo các đầu bếp, nếu chuyển đồ ăn nóng lên Bắc Giang thì thời tiết cùng với nắng nóng làm cho đồ ăn không còn thơm ngon, nên họ đặt ra quy trình là ngay trước khi nấu xong đồ ăn sẽ làm lạnh ngay tức thì và đóng gói theo quy chuẩn, sau đó đưa lên xe đông lạnh chuyển đến vùng dịch. Ở trên đó, các đầu bếp cấp cho các y bác sĩ những tủ đông và lò vi sóng, khi những y bác sĩ chuẩn bị ăn thì họ lấy ra khỏi tủ đông và cho vào lò vi sóng để hâm nóng đồ ăn.