Ông Nguyễn Hữu Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế Tràng An, đã bán 4 lô đất, xoay đủ hướng kinh doanh để duy trì công ty chờ hết dịch bệnh để có thể kinh doanh trở lại.
Bán 4 lô đất, chấp nhận lỗ để cứu công ty du lịch
Chuyên phát triển các tour du lịch quốc tế, trong đó chủ yếu là các tour đi châu Âu, Thái Lan, Nga, Trung Quốc… Công ty TNHH Du lịch Quốc tế Tràng An có thời điểm là một trong số công ty kinh doanh du lịch ở miền Bắc có số lượng khách xin visa vào châu Âu nhiều nhất.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế Tràng An cho biết, năm 2019, doanh thu công ty đạt 165 tỷ đồng. Giai đoạn 2018 – 2019, ngành du lịch phát triển thịnh vượng, thu nhập trung bình của nhân viên công ty khoảng 22-25 triệu đồng/người/tháng.
Thế nhưng, đùng một cái, dịch bệnh ập đến, doanh thu công ty sụt giảm mạnh tới hơn 90%, chỉ còn khoảng 12 tỷ đồng vào năm 2020.
Ông Cường đau đầu vì hàng tháng phải "gồng" để trả các chi phí cố định như thuê văn phòng, lương cho nhân viên với hơn 600 triệu đồng được 1 thời gian thì không còn sức, buộc ông phải thông báo cho nhân viên nghỉ không lương.
“Nhân sự từ 39 người giảm xuống chỉ còn 12 người, tôi thực sự đau lòng vì cán bộ nhân viên họ theo mình nhiều năm, nhưng thực sự không còn cách nào khác. Sau đó, Công ty chuyển hướng, đẩy mạnh kinh doanh du lịch nội địa thì anh em cũng không quay lại bởi lợi nhuận làm tour nội địa thấp hơn làm du lịch quốc tế”, ông Cường chia sẻ.
Ông Cường cũng không ngờ rằng, dịch bệnh kéo dài đến thế. Từ tháng 2/2020 đến nay, ông Cường đã phải bán đi 4 miếng đất, trị giá hàng chục tỷ đồng mà trước thời điểm dịch ông làm ăn có lãi và bỏ tiền mua.
“Vì làm du lịch nên tôi ‘đổ’ tiền đầu tư một số mảnh đất ở ven biển như Thanh Hóa, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận… Những tưởng các lô đất này sẽ là của để dành, là tài sản sau này vậy mà tôi đã phải chấp nhận bán hòa vốn; thậm chí có mảnh đất ở Thanh Hóa phải bán lỗ hơn 400 triệu đồng để lấy tiền trang trải khi nguồn vốn ở công ty cạn kiệt”, ông Cường cho hay.
Ông Cường nhẩm tính, số tiền mà công ty đã đặt cọc cho các hãng hàng không lên đến con số 12 tỷ đồng, thế nhưng dịch bệnh nên tất cả phải hoãn. Một số hãng hàng không quốc tế cũng đã hoàn được một số tiền nhất định, lượng tiền còn lại vẫn ‘đọng’ ở nhiều hãng khác hiện vẫn chờ được đối trừ. Phần lớn số tiền bán đất, cộng với số tiền của một số hãng hàng không quốc tế hoàn lại đều được công ty sử dụng để trả lại tiền đã đặt tour của khách hàng.
Xoay đủ hướng từ mở quán cafe, làm dược liệu đến bán gạo
Ông Cường chia sẻ, để đáp ứng công ăn việc làm cho cán bộ nhân viên ở công ty, buộc ông phải nghiên cứu tham gia nhiều mảng khác. Đầu tiên, ông tham gia dự án triển khai các tour Caravan, trước mắt là các tour nội địa, sau đó sẽ hướng đến tour Caravan quốc tế cùng một số giám đốc công ty du lịch khác.
Ông Cường (ngoài cùng bên trái) cùng tham gia góp vốn với bạn bè để phát triển sản phẩm dược liệu.
Sau đó, được bạn bè rủ cùng phát triển trang trại trồng dược liệu ở Hòa Bình, ông cũng mạnh dạn đồng ý mặc dù đây là mảng mới, bản thân không có kinh nghiệm nhưng thấy kế hoạch sản xuất các sản phẩm dược liệu hấp dẫn, tốt cho sức khỏe, ông Cường đã góp vốn cùng phát triển. Tháng 3/2020, một Công ty dược liệu đã chính thức thành lập.
Tiếp đến, tháng 7/2020, ông Cường cũng đã cùng hai người bạn của mình phát triển mảng cafe, thành lập công ty và kế hoạch sẽ phát triển chuỗi quán cafe, với mục tiêu vừa tạo sân chơi cho anh em du lịch, vẫn có thể kinh doanh được lâu dài, kể cả thời điểm dịch bệnh.
Thế nhưng, sau khi mở quán cafe đầu tiên tại Hà Nội thì đợt dịch thứ 4 tái bùng phát, hàng quán phải đóng cửa theo quy định nên việc kinh doanh quán cafe cũng lại gặp khó.
Không dừng bước, ông Cường lại tiếp tục xoay sở sang mảng kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa để các anh em còn tâm huyết với công ty, cũng như với ngành du lịch, vừa làm vừa nuôi hy vọng phát triển sau này.
Theo đó, công ty sẽ phân phối, bán các sản phẩm gạo hữu cơ, gạo đạt tiêu chuẩn Vietgap ở Sóc Trăng, đồng thời kết hợp với các hợp tác xã ở Điện Biên, Thái Bình… để đa dạng nguồn hàng về những loại gạo chất lượng nhất. Tháng 7 tới đây, sản phẩm gạo của công ty sẽ chính thức bán ra thị trường ở Hà Nội.
Ông Cường cho biết, bước đầu sẽ tận dụng nguồn khách du lịch cũ của công ty, sau đó sẽ dần mở rộng việc phân phối gạo tới các đại lý và siêu thị.
“Mục tiêu làm sao để toàn bộ anh em có việc làm, có thu nhập. Tôi hy vọng sản phẩm gạo này sẽ giúp anh em trong công ty có thể thúc đẩy phát triển kinh doanh trong thời điểm hiện tại, sau này khi thị trường du lịch quay trở lại, nếu ai vẫn còn yêu thích mảng du lịch, công ty vẫn tạo điều kiện để anh em chuyển đổi sang làm mảng du lịch”, ông Cường nói.
Nghĩ đủ hướng, xoay đủ nghề để có việc làm cho anh em, để tồn tại, nhưng ông Cường cũng đau đáu về nguồn vốn bởi tại thời điểm này, nhiều công ty du lịch như công ty ông đều không vay được vốn ngân hàng.
“Ngân hàng cứ nghe thấy doanh nghiệp có mô hình kinh doanh mảng du lịch trước đây xin vay vốn là họ đều từ chối cho vay. Lúc khó khăn này, chúng tôi không nhận được sự hỗ trợ vay vốn nào từ ngân hàng nên buộc tôi phải xoay sở, tìm cách vay khác”, ông Cường chia sẻ thêm.
Dù xoảy sở đù nghề nhưng ông vẫn luôn mong ngành du lịch sẽ khởi sắc trở lại, nhân viên trước đây của mình sẽ quay về làm việc ở công ty thuộc nhóm có số lượng khách xin visa vào châu Âu nhiều nhất miền Bắc.
Bởi công việc đã gắn bó gần 20 năm nay thì đâu dễ gì từ bỏ, làm du lịch không chỉ đơn thuần là câu chuyện kinh doanh để kiếm tiền mà nó là niềm đam mê với nghề. Trước đây, làm du lịch kiếm ra tiền, nuôi mình thì bây giờ có thể bán đất, bán tài sản để nuôi nghề...