PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thực hiện quy định của Bộ Y tế về định dạng dữ liệu phục vụ việc quản lý, giám định thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, đến nay đơn vị là một trong những bệnh viện trên toàn quốc hoàn thành chuyển đổi 99% dữ liệu đầu ra.
Nếu như trước đây bệnh viện triển khai hàng chục phần mềm khác nhau, không đồng bộ thì đến nay đều được chuẩn hóa. Kết quả, bệnh viện thực hiện hiệu quả trong công tác quản lý (chuyên môn, tài chính, nhân sự) theo hướng công khai, minh mạch.
Số hóa đơn thuốc sẽ khắc phục tình trạng chữ bác sĩ xấu, bệnh nhân không thể đọc. (Ảnh minh hoạ)
Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, trong tháng 8 tới, Bệnh viện Bạch Mai sẽ triển khai thí điểm bệnh án điện tử trước khi triển khai rộng rãi. Đây là bước tiến lớn trong quản trị bệnh viện cũng như xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Chính phủ.
Theo ông Cơ, việc triển khai bệnh án điện tử giúp liên thông thông tin của người bệnh đến tất cả các bộ phận liên quan trong các khoa, phòng. Bác sĩ dễ dàng theo dõi được diễn biến, quá trình điều trị của người bệnh. Bệnh nhân cũng đọc và biết được quá trình điều trị của mình.
“Đặc biệt, khi số hoá bệnh án và đơn thuốc đều rất rõ ràng, người bệnh không còn nỗi lo chữ bác sĩ xấu, không đọc nổi. Toàn bộ đơn thuốc sẽ được liên thông lên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Như vậy, Bộ Y tế cũng kiểm soát được, chứ không riêng bệnh viện. Tương lai, mỗi bệnh nhân sẽ được cung cấp 1 mã code và hoàn toàn không dùng giấy tờ”, PGS Đào Xuân Cơ nói.
Khi đơn thuốc được số hoá thì "người làm quản lý quá nhàn, quản lý được các bác sĩ không kê đơn bậy". Trước đây, khi kê đơn tay, một bộ phận nhỏ bác sĩ có thể móc nối với doanh nghiệp để kê thực phẩm chức năng hoặc thuốc không cần thiết. Khi điện tử hoá thì người quản lý kiểm soát được.
Bỏ in phim chụp chiếu, tiết kiệm gần 30 tỷ đồng/năm
PGS.TS Đào Xuân Cơ cũng thông tin thêm, thời gian qua bệnh viện đạt được nhiều thành tựu trong chuyển đổi số, từ ngày 8/7, bệnh viện quyết định bỏ giấy chỉ định, tương lai tiến tới bỏ in phim chụp chiếu các loại, sử dụng bằng cách đọc trên phần mềm.
Việc bỏ in giấy sẽ tiết kiệm được ngân sách chi cho giấy, mực và nhân lực vận hành. Đặc biệt, tiết kiệm quan trọng nữa là giảm thời gian chờ của bệnh nhân và giảm nhân lực phục vụ.
Việc bỏ in giấy sẽ tiết kiệm được ngân sách chi cho giấy, mực và nhân lực vận hành. (Ảnh minh hoạ)
“Mỗi năm chúng tôi tiêu tốn gần 30 tỷ đồng cho việc in phim chụp chiếu. Chuyển đổi số thực hiện hiệu quả, dữ liệu đồng bộ hoá, đơn vị sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Thời gian bác sĩ, nhân viên y tế đứng in để dành khám, tư vấn, hướng dẫn người bệnh”, PGS Đào Xuân Cơ nói.
Thông tin thêm về thành tựu trong công cuộc chuyển đổi số thời gian vừa qua, ông Cơ cho biết, đơn vị triển khai hiệu quả các ứng dụng và tổng đài đặt lịch khám. Mỗi ngày khoảng 2.500 người đặt lịch khám qua điện thoại, qua mạng, nhờ đó bệnh viện có thể chia khung giờ nhận bệnh nhân và tránh quá đông người đến khám vào các khung giờ cao điểm.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ liên thông với các bệnh viện về dữ liệu điện tử, các xét nghiệm, phim chụp đã đạt kết quả rồi sẽ không phải làm lại nữa, tiết kiệm tiền cho người bệnh”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.
Tuy đạt được nhiều thành tựu song vẫn một số hạng mục vẫn đang trong quá trình chuyển đổi, khoảng từ quý 4 năm 2024, bệnh viện mới chuyển hoàn toàn sang bệnh án điện tử.
Về điều này, ông Cơ nói đơn vị rất muốn triển khai sớm song cần phải có thời gian để chuẩn bị cơ sở hạ tầng như hệ thống đường truyền, máy chủ, đồng bộ hoá phần mềm, dữ liệu.
Thời gian qua, nhờ nhiều chính sách thay đổi cùng hàng loạt nghị định, thông tư mới ra đời nên bệnh viện được mua sắm đầy đủ thuốc và thiết bị y tế. Bệnh viện không còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, nếu có chỉ thiếu cục bộ ít ngày, nhưng đều có thuốc thay thế, không để người dân phải chịu thiệt.
Gần đây, bệnh viện cũng mua được 20 hệ thống nội soi mới, mỗi ngày nội soi cho 800 - 1.000 bệnh nhân có nhu cầu nội soi dạ dày, giúp sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư, tăng hiệu quả điều trị.